Ứng dụng công nghệ tái chế rác nhựa không gây ô nhiễm môi trường
2/13/2019 9:31:00 AM
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguy,ên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Bởi vậy, Việt Nam rất cần áp dụng công nghệ xử lý rác vừa thân thiện môi trường vừa tạo sản phẩm hữu ích.
* Tìm kiếm công nghệ xử lý
Các quốc gia trên thế giới hiện vẫn gặp khó khăn với công nghệ xử lý, tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, bởi hầu hết lượng rác thải vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu.
Gần đây, các đô thị lớn ở Mỹ đang phát triển mạnh công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng ở Nhật Bản chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày. Hà Lan có 35% chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp áp dụng công nghệ đốt. Trung Quốc mạnh dạn áp dụng công nghệ đốt ở các cấp độ khác nhau từ sau năm 2.000 và hiện ngành sản xuất lò đốt chất thải rắn phát điện của Trung Quốc rất phát triển. Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các khu đốt chất thải rắn hỗn hợp kết hợp phát điện có công suất tối đa 3.000 tấn/ngày.
Tại Việt Nam, phần lớn chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, điển hình là 2 thành phố lớn như Hà Nội với 95%, Thành phố Hồ Chí Minh với 76%. Một phần được xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy với quy mô khác nhau từ 10-150 tấn/ngày; trong đó chủ yếu là công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu quy mô nhỏ từ 10-12 tấn/ngày.
Cả hai phương pháp không đem lại hiệu quả về môi trường và kinh tế. Chôn lấp gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách nhà nước, chi phí xã hội; lãng phí phần rác có giá trị tái chế; gây ô nhiễm thứ cấp nguồn nước, đất lâu dài. Đốt tiêu hủy xử lý triệt để hơn, tiết kiệm tài nguyên đất nhưng đầu tư nhiều, thời gian triển khai dài, phát sinh khí thải dioxin gây ô nhiễm môi trường…
Thế giới đang có xu hướng lựa chọn công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây được xem là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hai công nghệ này sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam.
Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt-hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất ở thời điểm triển khai trên thực tế hiện nay và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán năng lượng tái tạo khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm năng lượng xanh như dầu và than nhiên liệu.
* Phát triển các giải pháp công nghệ tối ưu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam đang theo hướng từ khoa học công nghệ đưa ra được các vật liệu mới có khả năng thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là cấp bách.
Công nghệ nhiệt phân xử lý rác nhựa được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu về công nghệ này của Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như: Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… bước đầu thu được những kết quả khả quan.
Công nghệ nhiệt phân cho phép tái chế rác nhựa hỗn tạp và các loại chất thải không được tái chế hiệu quả bằng phương pháp khác, rác nhựa chưa được làm sạch và bị nhiễm bẩn như nhựa thu hồi từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp; đặc biệt nhựa với kích thước lớn. Công nghệ nhiệt phân phát sinh rất ít nước thải, chủ yếu từ độ ẩm trong rác nhựa, quá trình nhiệt phân những loại nhựa có thành phần nhôm sẽ không tạo ra dioxin như phương pháp đốt. Thiết bị tháo và đóng bao than hoàn toàn kín giúp hạn chế tối đa việc phát tán bụi; hệ thống vận hành tự động hoặc bán tự động giảm nhiều chi phí nhân công. Các thông số được thiết kế hiển thị rõ ràng và chi tiết giúp quá trình vận hành dễ dàng.
Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ điện rác thành năng lượng và cacbon organic - hợp chất dùng để cải tạo đất và sử dụng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tốt nhất. Công nghệ này xử lý được tất cả các loại chất thải rắn, rác thải đã chôn lấp. Sản phẩm của công nghệ là điện từ xơ bã rác đã được đo kiểm và hòa lưới quốc gia ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đất đen cacbon organic đã được Viện Nông nghiệp kiểm định cho kết quả hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân bò, phân gà và cao gấp 2 lần phân bón vi sinh hữu cơ hiện có. Các thành phần kim loại nặng thấp dưới tiêu chuẩn Việt Nam.
Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy lực - máy HMC nhấn mạnh, điện rác là giải pháp công nghệ mới ứng dụng và nhân rộng trong cộng đồng, tái tạo rác thải thành năng lượng phù hợp với xu thế chung của thế giới là tái tạo năng lượng xanh, tạo đất đen có dưỡng chất phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ, giúp các nhà quản lý tạo ra cơ chế quản lý chất thải rắn hiệu quả, phù hợp hơn với đặc thù rác thải của Việt Nam. Công nghệ và thiết bị trong nước có giá thành đầu tư thấp, nhanh thu hồi vốn, chi phí nhân công giảm do được tự động hóa cao. Ngoài ra, thêm một lợi thế nguồn thu từ chứng chỉ phát thải ngân hàng cacbon.
Xử lý, tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu là ngành có nhiều ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo. Công ty trách nhiệm hữu hạn New Technology đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị nhiệt phân cùng với hệ xúc tác để nhiệt phân rác nhựa; đã chuyển giao công nghệ thành công cho Công ty Môi trường xanh Hải Dương.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn New Technology cho rằng Nhà nước cần khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia; hỗ trợ các chính sách ưu đãi về đầu tư xử lý tái chế chất thải nhựa; tăng cường tuyên truyền chính sách tái chế chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đơn vị xử lý chất thải để có thể kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát các nguồn thải, không cho phép các cơ sở tái chế chất thải hoạt động trái phép, không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Minh Nguyệt (Tinmoitruong.vn)
Lượt xem : 2149