Ứng cử viên Hillary hướng tới cách mạng năng lượng
8/4/2015 4:09:00 PM
Ngày 27/7, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton – ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, giới thiệu chương trình tham vọng về phát triển năng lượng Mặt Trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, vạch rõ ranh giới khác biệt với các đối thủ của đảng Cộng hòa ủng hộ năng lượng hóa thạch.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử tại bang Iowa, bà Clinton tuyên bố tham vọng đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc năng lượng sạch, một nội dung bà tin tưởng có thể tác động tích cực tới mọi hộ gia đình Mỹ.
Khẳng định nền kinh tế số một thế giới cần đi đầu trong cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ cam kết một chương trình năng lượng tái tạo với hai nội dung chính, bao gồm lắp đặt hơn 500 triệu tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn đất nước trong nhiệm kỳ đầu tiên (nếu bà đắc cử tổng thống) và đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm tạo ra đủ năng lượng tái tạo để cung cấp điện tới từng hộ gia đình tại Mỹ.
Theo mục tiêu trên, công suất năng lượng mặt trời tới năm 2020 của Mỹ phải đạt 140 gigawatt, tương đương tăng 700% số pin năng lượng mặt trời hiện đang sử dụng. Chương trình của bà Clinton cam kết sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ điện năng vào năm 2020.
Bà cũng đề xuất cung cấp hỗ trợ tài chính cho các bang và địa phương để chống biến đổi khí hậu, siết chặt các quy định về cắt giảm khí thải cũng như tăng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Song song với việc phát triển năng lượng sạch, bà Clinton nhấn mạnh cũng cần quan tâm tới những người lao động trong ngành khai mỏ trong quá trình cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo thống kê của Cơ quan Thông tin năng lượng, trong năm ngoái, khoảng 67% nguồn cung điện của Mỹ đến từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá. Chỉ có khoảng 13% là từ nhiên liệu tái tạo, trong đó năng lượng Mặt Trời chỉ chiếm 0,4%. Khoảng 20% còn lại là điện hạt nhân.
Với một chương trình đầy tham vọng như vậy, giới quan sát tại chỗ đánh giá bà Clinton muốn xây dựng hình ảnh của một nữ tổng thống – nữ chính khách đầu tiên đi đầu về phát triển năng lượng tái sinh, tạo ra một cuộc cách mạng trong sử dụng năng lượng tại xứ cờ hoa.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề gây nhiều tranh cãi tại chính giới Mỹ. Cắt giảm khí thải độc hại là một chủ trương mà Tổng thống đương nhiệm Barack Obama từng nhiều lần nhấn mạnh kể từ khi lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu năm 2009.
Tuy nhiên, những chính sách về môi trường của ông luôn vấp phải sự phản đối từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội.
(Vietnamplus)
Lượt xem : 1626