Tục thờ kính, bảo vệ cây và rừng (kỳ cuối)
1/4/2014 8:13:00 PM
Cần phát huy niềm tin này vào sự nghiệp trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ cây. Người dân cần niềm tin và công sức của họ được chính danh, cần có quyền, chứ không hẳn là cần nhà nước hỗ trợ kinh phí cho sự nghiệp trồng cây và bảo vệ rừng.
Tục bảo vệ cây và rừng ở dãy Trường Sơn
Luật tục, hương ước các dân tộc trên dãy Trường Sơn không chỉ có giá trị tham khảo trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng mà còn có thể gợi mở việc sử dụng luật tục, hương ước trên mọi lĩnh vực quản lý đời sống xã hội khác.
Cách đây không lâu, người dân Bố Trạch Quảng Bình trước khi vào rừng khai thác lâm sản đều phải làm lễ cũng để xin thần rừng. Họ chỉ khai thác đúng chủng loại và số lượng (nhất là cây gỗ về làm nhà) đã xin và được thần rừng cho phép. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta mới có VQG Phong Nha Kẻ bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Luật tục Ê Đê quy định hình thức xử phạt rất nghiêm khắc với những ai phá rừng. Rừng không chỉ là nguồn sống của họ mà còn là cõi tâm linh thiêng liêng. Vì thế mà có Thần Cây, Thần Rừng, vì thế mà trước khi đi săn người ta phải cúng Thần Rừng, trước khi chặt cái cây về làm K’pan (ghế dài làm bằng cây gỗ liền) người ta phải cúng Thần Cây. Bên cạnh lời cúng, người ta đánh chiêng để giao tiếp với thần linh.
Điều 80 của luật tục Ê Đê nói rằng: Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt.
Nếu người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại ngay, tay của họ tất phải xiềng lại ngay. Cả rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả.
Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ. Dân làng không được mang củi cháy dở vào rừng: Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi.
E rằng họ sẽ đốt đuốc cầm theo. E rằng đi rẫy lo việc nương rẫy mà không biết đi, cầm theo những đầu cây cháy dở có thể hủy diệt cả rừng… Cho nên biết được con đàn bà ấy là ai, thằng đàn ông ấy là ai thì việc xét xử phải đi đến bồi thường nặng.
Điều 231: Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây kdjar”. Điều 232: Có bao nhiêu con, có bao nhiêu cháu đều phải dạy bằng hết cho chúng: cấm không được đóng cọc vào cây k’tơng, cấm không được trèo lên cây kdjar. Phạm điều cấm đó người ta coi ngang với tội chặt đuôi voi, tội mò vào với vợ tù trưởng nhà giàu, tội thông dâm với vợ của người anh em. Tội đó phải đưa ra xét xử.
“Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ. Rừng già không được phát rẫy. Rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng con chồn, con nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống…”
“Làm rẫy không được phát rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con. Làm như thế rừng không bị mất. Làm như thế rừng xanh tươi mãi mãi…”
Bảo vệ cây rừng bao gồm các nội dung: bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bảo vệ cây rừng ở bến nước, bảo vệ cây rừng ở khu rừng già, bảo vệ cây rừng ở khu rừng non. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị huỷ diệt.
Do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng: “Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ làng buôn.
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước Bảo vệ cuộc sống của nhân dân”…. “Con người để cháy rừng Con người chặt phá rừng Con người diệt hết muôn thú . Tội ấy Dàng phải xử...”
“Không có nước con người không sống được, cây bờ suối không được chặt trụi cây đầu nguồn không nên chặt phá, mất cây rừng sẽ gây hạn hán, mất cây rừng sẽ gây ra lũ lụt...”
Nguồn tri thức bản điạ M’nông Tây Nguyên là một kho tàng phong phú, sản phẩm của hàng ngàn năm biết sống bền vững với núi rừng. Bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn là điều quan trọng hàng đầu. Rừng đầu nguồn được gọi là Yang Bri (rừng thiêng, nơi thần linh trú ngụ), mọi hành động chặt cây ở rừng này hoặc gây cháy rừng đều được coi là trọng tội.
Người M’nông không phát rẫy lớn, liền khoảnh mà bao giờ cũng chừa lại các khoảng cây xanh xen kẽ để chống xói mòn đất cũng như để dành làm nguyên liệu cho các nghề thủ công.
Người M’nông, tộc người được coi là cư dân đầu tiên có mặt trên địa bàn Dak Lak có ý thức bảo vệ rừng nghiêm khắc. Từ ngàn xưa, cộng đồng M’nông đã lưu truyền các khoản quy định về tội làm cháy rừng như sau: “Chòi bị cháy chỉ một người buồn, nhà bị cháy cả buôn phải buồn, rừng bị cháy mọi người đều buồn…
Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất, làm nhà đừng dùng cây nữa, làm chòi đừng dùng cây nữa, làm rẫy không phát rừng nữa, khi thiếu đói đừng đào củ nữa, bảo nó cất chòi ở trên mặt trăng, bảo nó cất chòi ở trên ngôi sao, bảo nó tỉa lúa ở trên tầng mây!”
M.C/PGS.TS Nguyễn Đình Hòe
Lượt xem : 1618