Vietnamese English
Tư vấn chữa bệnh cho Cây đa Ông Thiên

6/27/2017 1:23:00 PM

(VACNE) – Mới đây, nhóm chuyên gia của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã về thôn Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, thành phố Hà Nội để khảo sát tình hình nhiễm bệnh héo lá của cây đa đền Ông Thiên.

Cây đa Ông Thiên thuộc thôn Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Cây đa trên 300 tuổi này nằm cạnh đền Ông Thiên nên được người dân ở đây gọi là cây đa Ông Thiên. Các cụ cao niên trong thôn cho biết, cây đa Ông Thiên là phong thủy, trấn giữ phía Bắc của thôn. Nhân dân trong thôn rất lo lắng khi nhìn thấy cây đa thần tích của quê hương đang bị chết dần.

Kết quả hình ảnh cho "cây đa" +" chết"

Biết tin cây đa Ông Thiên đang bị bệnh, tháng 11/2016, nhóm chuyên gia của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam gồm: GS.TS. Phạm Văn Lầm, TS. Trần Văn Miều và kỹ sư lâm sinh Lê Huy Cường xuống hiện trường chẩn đoán và tư vấn chữa bệnh cho cây.

Chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thôn Thao Chính đã thực hiện các giải pháp do nhóm chuyên gia tư vấn đưa ra: dọn vệ sinh quanh gốc cây, xới đất và tưới nước hàng ngày, bón phân vi sinh, phun thuốc diệt xén tóc và mối, cắt bỏ những cành cây khô…Sau đó ba tháng, cây đa Ông Thiên đã dần dần hồi phục, ra lá xanh ở nhiều cành. Người dân thôn Thao Chính vui mừng vì thấy cây đa thần tích của mình đang sống trở lại.

Tháng 4 và tháng 5 năm 2017, do thời tiết quá nắng nóng nên cây đa Ông Thiên đột nhiên bị héo lá. Vừa qua, nhóm chuyên gia trên của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xuống hiện trường xem xét, làm việc với lãnh đạo thôn Thao Chính, thống nhất kết luận: “Cây đa Ông Thiên bị chết là do bị bệnh lâu năm, thân và rễ bị tổn thương quá nặng cộng với thời tiết nắng nóng dài ngày. Cây đa chết hoàn toàn không phải do yếu tố tâm linh”.

Nhóm chuyên gia đã tư vấn để chính quyền và các đoàn thể nhân dân thực hiện các giải pháp sau: 1) Tuyên truyền để người dân hiểu, cây đa Ông Thiên chết là do hoàn cảnh khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người; 2) Giữ lại gốc cây đa Ông Thiên và cắt các cành cây khô đảm bảo an toàn cho người qua lại; 3) Chộn đất mùn với rơm và phân vi sinh bó vào 2 cây đa con đang mọc ở gốc cây đa Ông Thiên để hướng rễ ăn xuống đất; 4) Trồng 3 cây đa xung quanh gốc cây đa cũ để lớn lên thay thế cho cây đa Ông Thiên.

Chính quyền và các đoàn thể nhân dân thôn Thao Chính cảm ơn Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã cử chuyên gia xuống giúp đỡ và đồng tình sẽ thực hiện ngay các giải pháp do nhóm chuyên gia đưa ra.

TS. Trần Văn Miều

Lượt xem : 1457