Tư tưởng Hồ Chí Minh truyền năng lựơng lan tỏa cho chúng ta chiến thắng đại dịch COVID 19
9/14/2021 3:18:00 PM
(VACNE) -Xin giới thiệu với bạn đọc VACNE Bài viết của TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam vừa gửi đăng.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRUYỀN NĂNG LƯỢNG LAN TỎA
CHO CHÚNG TA CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID 19
TS. Nhà văn Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch VACNE
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành tình cảm sâu sắc đối với các tầng lớp Nhân dân Việt Nam. Người hiểu thấu đáo vai trò to lớn, vị trí không thể thay thế cuả Nhân dân. Người hiểu và vận dụng sáng tạo tư tưởng của các anh hùng dân tộc, trong đó có Nguyễn Trãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc câu mở đầu trong “áng thiên cổ hùng văn”, mang tên “Bình Ngô Đại Cáo” của bậc vỹ nhân (viết năm 1428): “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ câu nói đó, về sau Nguyễn Trãi đúc kết thành chân lý: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”[1]. Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vận dụng từ câu nói của Nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” thành tư tưởng “lấy dân làm gốc” của mình. Từ học và làm theo các bậc vĩ nhân của dân tộc, Chủ tịch hồ Chí Minh đã tổng kết thành tư tưởng sâu sắc: “dân là gốc” của mình. Người khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[2]. Phải là người gần dân, hiểu dân, tin dân, nghe dân thì Bác Hồ của chúng ta mới tổng kết thành chân lý vĩnh hằng như vậy. Người luôn có sự liên hệ hợp lí giữa Môi trường thiên nhiên và Môi trường xã hội – Dân là Môi trường xã hội được gắn liền vững chắc với gốc cây là một yếu tố của Môi trường thiên nhiên. “Dân là gốc” vừa đúng với quy luật khách quan của Môi trường thiên nhiên, vừa đúng với quy luật phát triển của Môi trường xã hội. Đó là chân lí thứ nhất. Sau khi khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố của Môi trường thiên nhiên và những yếu tố của Môi trường xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chân lí thứ hai: “Gốc có vững cây mới bền”. Đúng là cây phải dựa vào gốc để sinh sống, chống lại thiên tai, dịch bệnh, tỏa màu xanh tươi lên trời cao. Và từ hai chân lí vĩnh hằng đó để Người rút ra kết luận quan trọng cũng có thể coi là chân lí thứ ba: “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Thông qua ba chân lí này để Hồ Chí minh nêu lên tư tưởng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò to lớn không thể thay thế của quần chúng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[4]. Trong câu nói này, Người dùng hai sự so sánh làm nổi bật tầm quan trọng của Nhân dân. Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Đúng như người đánh giá, dù trong bầu trời có các yếu tố Môi trường thiên nhiên như tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản – Tất cả những cái đó không quý bằng Nhân dân. Nhân dân là một loại tài nguyên đặc biệt, không có loại tài nguyên nào thay thế được. Trong Môi trường xã hội, Nhân dân là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của xã hội. Phải nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu thấu đáo, Nhân dân là những con người cụ thể, là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất của Môi trường thiên nhiên và Môi trường xã hội. Theo Bác Hồ, con người là yếu tố trung tâm của hai loại Môi trường sống, là yếu tố chi phối, quyết định sự phát triển bền vững của các yếu tố còn lại của Môi trường thiên nhiên và Môi trường xã hội; con người là cầu nối gắn kết chặt chẽ, vững chắc giữa Môi trường thiên nhiên và Môi trường xã hội. Vế thứ hai, Người so sánh trong thế giới, dù có những hiện tượng tự nhiên như: bão lụt, hạn hán, lũ quét, lũ ống, sạt đất, sói mòn, cát xâm lấn, động đất, núi lửa, sóng thần…đều không mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân. Theo Người, trong thế giới tự nhiên và xã hội, Nhân dân là yếu tố vĩ đại nhất, sự đoàn kết của Nhân dân có sức mạnh vô song, có sự đoàn kết của Nhân dân ắt sẽ chiến thắng tất cả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết lòng thương yêu Nhân dân. Người cho rằng, nếu để dân đói, để dân rét, để dân dốt, để dân ốm yếu là Đảng và Chính phủ có lỗi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Người căn dặn Đảng, Nhà nước và các đoàn thể Nhân dân: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó khăn đến mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được ta đặc biệt chú ý”
Trong thời gian đại dich Covid 19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta cần vận dụng sáng tạo và làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh lan tỏa để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Chúng tôi cho rằng, trong thời gian qua, nhất là từ sau ngày 27/4/2021, Nhân dân ta từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam; từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo; từ thế hệ trẻ đến người cao tuổi, triệu người như một, đồng tâm nhất trí “học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Yêu nhân dân thì khắc phục được dịch trời, dịch bệnh” – Người cho rằng, thiên tai cũng là một loại dịch, nguy hại như dịch bệnh. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, mọi người dân hưởng ứng tham gia phòng – chống dịch Covid 19. Tinh thần của các phong trào trong thời kỳ kháng chiến như: “Ba săn sàng”, “Năm xung phong”, “Gác bút nghiên lên đường chống dịch”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi chống Mỹ”, “Một người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”… đang dấy lên mạnh mẽ trong cả nước. Các phong trào trên được thực hiện trong tư thế mới, tình thế mới, mà biểu hiện cao nhất là phong trào tình nguyện của toàn dân. Trong thời gian qua, xuất hiện càng nhiều những tấm gương quên mình phục vụ Nhân dân – Cán bộ ngành y tế, cán bộ và chiến sỹ Quân đội, cán bộ và chiến sỹ Công an, cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể các cấp…
Trong lúc khó khăn, các tầng lớp Nhân dân có nhiều hoạt động sáng tạo: Cây ATM gạo và ATM ôxy của anh Hoàng Tuấn Anh, bánh mỳ thanh long của ông Kao Siêu lực, những chuyến xe không đồng, nhà hàng không đồng, cửa hàng không đồng, quán cơm không đồng, chuyến xe không đồng…Những chuyến ô tô, tàu hỏa, máy bay miễn phí chuyên trở hàng hóa và người dân phục vụ chống dịch…Nhiều người Việt Nam ở nước ngoải có những hành động thiết thực ủng hộ đồng bào trong nước chống dịch; Những người nông dân ở khắp mọi miền đất nước gửi rau, quả cho đồng bào vùng dịch. Rất nhiều những tập thể và cá nhân tiêu biểu “học tập và làm theo lời Bác Hồ” tự nguyện tham gia phòng – chống đại dịch Covid 19. Phong trào có sức lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân. Đó không chỉ là động lực của phong trào phòng – chống đại dịch Covid 19, mà còn là động lực tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi cho rằng, cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể Nhân dân các cấp cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh như một nguồn năng lượng tích cực, có sức lan tỏa nhằm huy động sự tham gia của Nhân dân vào phòng – chống đại dịch Covd 19 và có những giải pháp thiết thực để chăm lo bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhớ và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe… Dân cường thì quốc thịnh”[8].
Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường và truyền năng lượng lan tỏa cho chúng ta chiến thắng đại dịch Covid 19./.
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 232-234
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 241
Lượt xem : 2026