Vietnamese English
Tự hào thay, quê hương ta có Cây Di sản

9/3/2015 5:14:00 PM

(VACNE) - Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam vừa diễn ra tại xã Hiền quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, có nhiều bài viết rất tâm huyết của dân địa phương. Website của Hội BVTN&MT Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài của TS: Bùi Phúc Khánh và cụ Hà Xuân Hòe

         

       Hội bảo vê Thiên nhiên &Môi trường tỉnh Phú Thọ tích cực hưởng ứng
sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam

TS.Bùi Phúc Khánh
Chủ tịch Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của cây xanh đối với cuộc sống của con người, nên Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ đã tích cực vận động cộng đồng hưởng ứng sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do VACNE phát động, thu được kết quả đáng ghi nhận.

Trải qua những biến cố và tác động của thời gian, khí hậu, sự tiến hóa của các loài cũng như sự tác động trực tiếp của con người. Hệ thực vật, trong đó cây xanh xung quanh ta đã có những biến đổi rất nhiều so với thời gian hàng nghìn năm về trước cả về số lượng, chủng loại cũng như các kiểu hình. Xu hướng là ngày càng mất dần sự đa dạng về sinh học, một số loài đã bị diệt chủng; một số loài đang suy thoái chỉ còn rất ít cá thể và đang có nguy cơ biến mất. Trong đó, có những cây trường tồn nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ, đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Những cây này thực sự là các nhân chứng lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của một địa phương, của một quốc gia. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn, khi nơi đó lại được gắn với các giá trị văn hóa tâm linh, hoặc sự kiện nổi bật. Lúc này, cây xanh thực sự trở thành biểu tượng của một vùng quê, được cộng đồng trân trọng tôn vinh, giữ gìn và bảo vệ: đó chính là Di sản để lại cho các thế hệ mai sau.

Như vậy, giá trị của những cây xanh này không chỉ đơn thuần là một loài thực vật, là vật chất…mà còn cao hơn thế, nhân văn hơn thế, là giá trị tâm hồn, tình cảm thiêng liêng của con người  dành cho một sinh vật đặc biệt.
Với kết quả ở những địa phương có cây xanh được tôn vinh, niềm tự hào của người dân với quê hương được nâng cao, họ quý trọng quá khứ và càng tự hào về tương lai của nơi sinh ra. Và theo lẽ tự nhiên, những mảnh đất dưới gốc Cây Di sản đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi hội họp của người dân. Song hầu như ai cũng biết, tất cả những đại thụ được vinh danh đều là những cây rất lâu năm và sức khỏe của các “cụ cây”  đều giảm sút, rất cần  sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Điều gì xảy ra, khi một mai những Di sản này không còn nữa? quá khứ là điểm tựa của hiện tại, tương lai. Mất quá khứ là mất tất cả!.

Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ, chăm sóc những tài sản vô giá đó của địa phương, phục vụ cho tham quan, du lịch, phát triển kinh tế- xã hội và cũng là gián tiếp bảo vệ môi trường còn hạn chế. Chính vì vậy, phong trào vinh danh cây cổ thụ, bảo tồn Cây Di sản do Hội BVTN&MT Việt Nam khởi xướng đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, có sức lan tỏa rộng rãi trong cả nước, trong đó có cán bộ và nhân dân xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ.

Nói đến Hiền Quan ngay nay, hay Trang Song Quan xưa thuở các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, không thể không nói đến mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi đây. Chỉ với diện tích trên 500 ha, Hiền Quan đã lưu giữ tới 4 di tích văn hóa lịch sử (2 cấp quốc gia, 2 cấp tỉnh). Đó là : Đình Hiền Quan, chùa Phúc Khánh, đền Đức thánh Thiều Hoa và điểm lịch sử Rừng Cấm- Giếng Mỏ nằm trên tả ngạn dòng sông Thao hùng vĩ, bên kia là núi Nghĩa Lĩnh- Trung tâm của kinh đô Văn Lang.

Ngay từ thời sơ khai dựng nước đến các thời kỳ giữ nước chống giặc ngoại xâm phương Bắc hàng ngàn năm về trước, trên mảnh đất này đã diễn ra bao sự kiên thư hùng, mà cổ xưa nhất có lẽ là sự kiện bốn vị  Đại Vương họ Hà  đã khởi binh giúp vua Hùng Vương thứ 6 đánh tan giặc Ân xâm lược. Tương truyền sau đại thắng quân giặc, vua Hùng đã về Trang Song Quan mở hội khao quân.
Người Hiền Quan vốn có lòng yêu nước, tôn trọng người có công với nước, với dân, quý trọng quá khứ. Họ đã xây cất lăng mộ, bảo vệ nghiêm ngặt và tôn bốn vị đại thần họ Hà là Thành Hòang của làng và thờ cúng muôn đời.    
May mắn thay, linh ứng thay, ngôi mộ cổ của Thành Hoàng làng có một cây Sanh mọc lên xòa cành, tỏa nhánh như một chiếc lọng che tỏa bóng mát cho nơi cấm địa tối kị linh thiêng.

Không ai biết cây có từ bao giờ, các cụ cao niên trong làng đều bảo rằng: từ nhỏ đã nhìn thấy cây cao to như thế, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn: cây gần ba trăm năm tuổi, với chiều cao 27,5 m, chu vi thân 4,7 m, tán rộng hơn 40 m. Hiện nay cây vẫn xum xuê, xanh tốt nhờ sự bảo vệ và chăm sóc cẩn thận của cộng đồng.

Bản thân sự tích lịch sử đã tôn nghiêm, linh thiêng, nay cây Sanh đứng canh di tích lịch sử ở Hiền Quan lại được tôn vinh là Cây Di sản Việt Nam càng làm cho giá trị văn hóa-lịch sử -tâm linh này càng thêm đặc biệt./.

 

 Bài thơ:  Cây Sanh Di sản

Cụ  Hà Xuân Hè
  (Hội người cao tuổi xã Hiền Quan)

Ngày vui bia đá gắn cây Sanh

Mười chín tháng bảy mãi vang danh

Lịch sử cây Sanh bia đá đó

Cây cao bóng cả bức trường thành

Lăng tẩm Đại thần bậc hùng anh.

Tứ bề gió thổi mát quanh năm.

Đồng Sinh, tài đức, lại cùng hóa.

Con cháu quê Hiền, mãi tôn vinh./.

 

 

Lượt xem : 2255