Từ COP21 tới COP28: Gần hơn với thực tế
1/17/2024 11:39:00 AM
Khác hẳn với COP21, COP28 có cách tiếp cận thực tiễn hơn và ngầm công nhận rằng hiệp định Paris sẽ không được ai chú ý tới.
COP28, cuộc họp lần thứ 28 của Hội nghị các bên về Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) đã diễn ra ở Dubai vào ngày 30/12 – 12/12/2023.
Bảy năm trước, COP21 đã chứng kiến Hiệp định Paris được phần lớn các nước thành viên của Liên Hợp Quốc ký kết. Mục tiêu dài hạn của Hiệp định là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C so với ngưỡng của thời kỳ tiền công nghiệp, và lý tưởng nhất là hạn chế mức tăng tới 1,5°C, đòi hỏi các nước phải giảm phát thải càng sớm càng tốt và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21. Để giữ được mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5°C, các nước cần cắt giảm khoảng 50% khí phát thải CO2 vào năm 2030. Hiệp định này được các nhà lãnh đạo trên thế giới và giới báo chí khen ngợi, nhưng vấp phải lời chỉ trích từ một số chuyên gia vì không đủ tính ràng buộc.
Khác hẳn với COP21, COP28 có cách tiếp cận thực tiễn hơn và ngầm công nhận rằng hiệp định Paris sẽ không được ai chú ý tới. Quả thực, phát thải khí CO2 vẫn tiếp tục tăng lên và không cho thấy dấu hiệu giảm xuống. Công luận ở phương Tây cho rằng COP28 chỉ là những thứ hão huyền và thất bại khi đi đến nhất trí về một hành động mạnh mẽ nhằm đảo ngược biến đổi khí hậu: trong khi chỉ kêu gọi “giảm phụ thuộc” vào nhiên liệu hóa thạch, nó lại ngừng yêu cầu dốc sức cam kết và lên kế hoạch loại bỏ chúng dần dần. Quả thực, thỏa thuận cuối cùng không ép buộc các nước đang phát triển và những nước này có thể tự quyết định cách thức và quy mô thời gian phù hợp để quy định chính sách năng lượng của mình.
Tại lễ khai mạc hội nghị COP28, liên minh gồm hơn 20 nước lớn đã được hình thành nhằm mục đích tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân, cho thấy mối quan tâm với loại năng lượng này đang hồi sinh trở lại, trong khi nhiều thập kỷ qua nó đã bị dìm tầm quan trọng vì những lý do không hề thuyết phục.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng khoảng 30% dân số thế giới và thải ra 2/3 lượng carbon từ đốt than đá trên thế giới. Thế mà họ vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở mức cao. Các nước phát triển đang dần ý thức được rằng các nước đang phát triển có những lý do hợp lý để bỏ qua khuyến nghị mà Liên Hợp Quốc và những nước giàu quy định cho mình; họ đang ý thức được rằng những nước này không sẵn sàng từ bỏ lợi ích mà nhiên liệu hóa thạch mang lại. Họ ý thức được bất kỳ nỗ lực giảm phát thải CO2 thực tiễn trên toàn cầu nào không gây tác động đáng kể với nhiệt độ trung bình thế giới. Họ nhận thức được các quốc gia đã và đang phát triển sống trong những thế giới khác nhau, và rằng những khuyến nghị do những nước đã phát triển đặt ra đều dựa trên những mô hình của họ và chẳng có tác dụng gì với những nước đang phát triển, khi hơn 700 triệu người vẫn sống thiếu điện.
COP28 nhắc nhở chúng ta về sự phù phiếm của những điều trong tưởng tượng đã từng được công chúng tin tưởng một cách phổ biến và quá dễ dãi, và sự vô minh lẫn cảm tính thường xuyên chiếm chỗ của lý trí. Tôi đã bình luận về điều này nhiều lần trước đây trên tạp chí Tia Sáng. Nó cho thấy Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề, với sự chín chắn và năng lực liên quan tới chính sách năng lượng trong nước, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, gió, mặt trời và hạt nhân; đồng thời giải quyết cả những vấn đề về thảm họa tự nhiên như lũ lụt, tìm ra điểm cân bằng giữa giảm thiểu và thích nghi. Thực tế tồn tại mối nguy hiểm là chúng ta đang xử lý quá nhẹ tay với những vấn đề như vậy. Cụ thể, chuyện này có thể diễn ra dưới hình thức lặp lại những lời phát biểu của quan chức tại các nước phát triển mà không xét tới tình hình cụ thể trong nước. Tuy việc học hỏi từ những thành công và thất bại của các nước khác là quan trọng, nhưng điều cốt yếu là Việt Nam cần có một quan điểm rõ ràng về những hạn chế và ưu tiên trong phát triển nguồn năng lượng. Ta phải hiểu được rằng nhà máy điện gió và mặt trời là những nguồn năng lượng không liên tục, chúng cần sự hỗ trợ từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch cũng như đòi hỏi phải nâng cấp mạng lưới. Điều quan trọng là phân biệt được tình trạng sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long và mực nước biển dâng, nước biển dâng không trầm trọng bằng sự sụt lún. Ta cũng phải đánh giá đúng đắn được mức độ sẵn sàng của mình trong việc xây dựng các nhà máy hạt nhân an toàn, với quy mô đến đâu. Chúng ta nhất thiết phải nắm được kiến thức chi tiết và hiểu biết rõ ràng về chính sách năng lượng của nước láng giềng là Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải nhận được lời khuyên về những vấn đề thiết yếu này từ những người vừa có đức vừa tài, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự thịnh vượng của đất nước thay vì chiếm lợi cho chính mình. Đối mặt với những thách thức trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải thẳng tay loại bỏ sự yếu kém, cảm tính và vô minh.□
Phương Anh dịch
(Chungta.com)
Lượt xem : 973