Do tầm quan trọng của vấn đề môi trường nên mặc dù Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) là hiệp định thương mại nhưng các bên tham gia đã dành riêng một chương trong tổng số 30 chương để cam kết các vấn đề về môi trường.
“Môi trường phải được coi là phần then chốt trong các đàm phán thương mại và phải là đối tượng của các quy định về giải quyết tranh chấp như các vi phạm thương mại. Bởi lẽ, mở rộng thương mại, nếu không được thực hiện một cách chính xác, có thể gây tổn hại đến môi trường. Ví dụ, loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể khuyến khích khai thác gỗ bất hợp pháp”, ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nói sau 5 năm với 19 vòng đàm phán chính thức, Hiệp định TTP đã được Bộ trưởng Thương mại của 12 nước thành viên thông qua vào ngày 5/10/2015 tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ).
Với bản ký kết này, 12 nước tham gia TPP đã nhất trí thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường của nước mình và không đi ngược lại với hệ thống pháp luật về
môi trường để khuyến khích thương mại và đầu tư.
Minh bạch khi đưa ra, thực thi và thúc đẩy các quyết định về môi trường. Các thách thức về môi trường như ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã, khai thác, đánh bắt trái phép và bảo vệ môi trường được các nước cam kết giải quyết mạnh mẽ.
Các bên cũng nhất trí thực thi các nghĩa vụ theo Công ước về Thương mại quốc tế đối với các loài động thực vật nguy cấp (CITES) và thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh và tăng cường hợp tác để ngăn chặn thương mại về động thực vật hoang dã được tiến hành một cách bất hợp pháp.
Ngoài ra, đồng ý thúc đẩy quản lý phát triển rừng bền vững, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang đã được xác định là nguy cấp trong lãnh thổ của nước mình.
Các nước TPP cũng thỏa thuận bảo vệ môi trường biển từ ô nhiễm tàu thủy và bảo vệ tầng ô zôn khỏi các chất phá hủy ozone. Các nước xác nhận lại cam kết của mình trong việc thực hiện các Hiệp định đa phương về môi trường (MEAs) mà mình gia nhập.
Các nước cam kết minh bạch trong việc đưa ra quyết định, thực hiện và
thi hành các quyết định về môi trường. Bên cạnh đó, các nước thỏa thuận tạo cơ hội cho cộng đồng đóng góp vào việc thực hiện chương về Môi trường, kể cả thông qua việc đệ trình và các buổi họp công khai của Ủy ban Môi trường để giám sát việc thực hiện của nội dung chương này.
Chương này cũng phải tuân thủ quy trình giải quyết tranh chấp trong chương Giải quyết tranh chấp. Các nước cũng nhất trí khuyến khích các sáng kiến môi trường tự nguyện, chẳng hạn như các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trong nỗ lực bảo vệ vùng đại dương chung, các Thành viên TPP nhất trí đối với quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng như cá mập, đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất đến khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá.
Để giám sát việc thực các cam kết trên, các thành viên còn đã thống nhất thành lập Ủy ban về Môi trường, khuyến khích các
sáng kiến tự nguyện về môi trường (ví dụ như các chương trình hợp tác về trách nhiệm xã hội).
Cuối cùng, các bên cam kết hợp tác và giải quyết các vấn đề thuộc mối quan tâm chung, trong đó bao gồm các khu vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, và thời gian chuyển đổi sang các nền kinh tế có mức khí thải thấp và phát triển bền vững.
12 nước tham gia TPP gồm: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Hoa Kỳ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản hy vọng hiệp định này sẽ giảm vấn nạn vận chuyển trái phép các loài động vật gặp nguy hiểm, cũng như tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức .
Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam tuy nhiên xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong hiệp định sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề
bảo vệ môi trường (đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP).