Vietnamese English
Truyền thông và việc chăm sóc cây cổ thụ

9/9/2014 9:32:00 AM

Cây cổ thụ thường gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; đồng thời còn là biểu tượng linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Vì thế, vấn đề chăm sóc và bảo vệ cây đã được Hội BVTN&MT Việt Nam quan tâm, ngay từ khi khởi xướng phong trào Bảo tồn Cây Di sản.




Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung những tờ rơi dành cho những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh Cây Di sản Việt Nam ở Hà Nội, Huế, Hải Dương. Và tới nay, vấn đề bảo vệ, chăm sóc cây Di sản đã được hầu hết các phương tiện truyền thông quan tâm và đề cập tới. Nếu gõ vào google cụm từ:  “bảo vệ, chăm sóc cây di sản” lúc này sẽ cho hơn 2,2 triệu kết quả.

Nội dung thông tin về chủ đề này khá phong phú, nhiều chiều, với các góc nhìn khác nhau của người viết. Song nội dung và mục tiêu vẫn là trao đổi, chia sẻ thông tin, nhằm tạo sự liên kết cộng đồng, cùng bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ, đặc biệt là Cây Di sản. Điển hình như:  cây Táu hơn 2.200 năm tuổi bên miếu thờ thầy dạy Công chúa thời vua Hùng (Việt Trì - Phú Thọ); 9 cây Muỗm trên 700 năm trong khuôn viên Đền Voi Phục (Hà Nội); cây Sấu cổ thụ vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); cây Gạo cổ thụ ở Nông Cống (Thanh Hóa); quần thể 20 cây xoài Di sản chùa Đá Trắng (Phú Yên)… Xin trích tin TTXVN và một số báo viết (lấy tờ Dân Trí làm ví dụ):

Tin TTXVN viết:  “Hàng chục cây xanh ở vùng đất Tổ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, đó là “báu vật” không chỉ đối với người dân địa phương mà còn là tài sản vô giá về mặt văn hóa, tâm linh đối với vùng đất cuội nguồn”. Một ấn phẩm khác của TTXVN (Văn hóa –Thể Thao) ngày 13/10/2012 cũng đồng thuận khi viết bài: "Xã hội hóa Bảo vệ Cây Di sản - Lý thuyết đẹp!”

Tờ Dân Trí phát hành ngày 02 tháng 04 năm 2014 phê bình sự chăm sóc quá mức Cây Di sản ở Thanh Hóa khá mạnh mẽ: “Một điều đáng buồn là vào cuối năm 2012, cây Gạo được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam thì đến tháng 3/2013, cây Gạo bỗng nhiên bị chết khiến dân làng Cẩm Bào tiếc thương đến mất ăn mất ngủ. Một số cụ cao niên trong làng cho biết, “cụ Gạo” bỏ dân làng đi, có thể do đào đất làm tường rào bao quanh, người ta đã chặt vào rễ cây, làm rễ bị xót. Khi chuẩn bị được vinh danh, “cụ” đã được chính quyền đào hố dưới gốc và đổ vào đó khoảng 4 tạ phân lân, có thể vì thế mà cây bị “bội thực”. Ngoài ra, cũng có thể do Nhà máy giấy gần đó trực tiếp xả chất thải ra dòng sông Yên, làm nhiễm độc dẫn đến thối rễ cây...”

Tiếp theo đó, tờ báo này lại lên tiếng về sức khỏe của cây Di sản “…Hiện tại 20 cây xoài đang bị rầy bông và bệnh muội than gây hại rất nặng nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, để trễ thêm e sẽ không còn phương cứu chữa, xoài sẽ bị chết’…. ông Hồ văn Tiến, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên cho biết: “Sở đã báo với Sở NN-PTNT và Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Phú Yên, đây là 2 cơ quan chuyên môn phối hợp quan tâm giúp đỡ bảo vệ kịp thời, giữ cho xoài này tồn tại và tiếp tục phát triển vì giống xoài hết sức quý hiếm”.

Dù chưa có điều kiện thống kê hết và không phân tích sâu về nội dung thông tin từng ấn phẩm (bài viết, tin, ảnh)… nhưng vẫn có thể khẳng định rằng: nhận thức của cộng đồng về vai trò cây cổ thụ, đã có những chuyển biến tích cực.  Vấn đề bảo vệ và chăm sóc cây cổ thụ đã được giới truyền thông quan tâm hơn và đã góp phần tích cực, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản Việt Nam.

Đóng vai trò nòng cốt về lĩnh vực truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản, Trang Website của Hội BVTN&MT Việt Nam liên tục đăng tin, bài, ảnh và Video Clip về các sự kiện liên quan tới bảo tồn Cây Di sản, chăm sóc và bảo vệ Cây Di sản. Từ khảo sát phát hiện, xác định tuổi và tên khoa học của cây, đến việc xét tuyển, tổ chức Lễ vinh danh đến việc chăm sóc, chữa trị bệnh cây…

Đáng mừng là hầu hết những thông tin này đều được các Tập đoàn truyền thôngTrung ương, các báo, đài địa phương đăng tải lại.  


Thiên Kim (Moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2700

TIN KHÁC

Bảo mẫu của voi (27/01/2025 10:24 )
DÀI NGẮN (27/01/2025 08:17 )
Thơ Xuân quên (24/01/2025 18:41 )