Truyền cảm hứng để cộng đồng bảo vệ đa dạng sinh học
6/2/2016 10:49:00 AM
(VACNE) - TS.Lê Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng Cây di sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xung quanh vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Xin đăng tải bài phỏng vấn Bà Lê Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã được Báo QĐND đăng tải ngày 01/06/2016.
Đa dạng sinh học bảo đảm sự sống còn và thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên Trái Đất. Theo ước tính, giá trị của tài nguyên đa dạng sinh học toàn cầu cung cấp cho con người là 33.000 tỷ USD mỗi năm. Đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm cung cấp cho đất nước khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đã và đang bị suy giảm. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước.
Phóng viên (PV): Theo đánh giá của bà, việc bảo vệ đa dạng sinh học có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống nhân dân, sự phát triển của mỗi quốc gia?
Bà Lê Thanh Bình: Thuật ngữ “đa dạng sinh học” được hiểu nôm na là thực vật và động vật. Trong khi, cuộc sống của con người không thể thiếu động vật và thực vật. Như thế đã đủ hiểu, đa dạng sinh học có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống con người và sự phát triển của mỗi quốc gia.
Đa dạng sinh học như là cái nôi của một quốc gia. Nó có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống của con người. Đa dạng sinh học là một thế giới sống, có giá trị vô cùng to lớn. Nó cung cấp thực phẩm và có vai trò rất lớn trong điều hòa khí hậu. Vì thế, nó có quan hệ vô cùng mật thiết với vấn đề bức thiết hiện nay - vấn đề biến đổi khí hậu. Đó là mối quan hệ hai chiều. Khi biến đổi khí hậu xảy ra sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học. Và mất đa dạng sinh học thì cuộc sống của con người bị đe dọa. Ngược lại, đa dạng sinh học giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đa dạng sinh học trữ nguồn nước vô cùng to lớn. Ở đâu đa dạng sinh học bị phá hủy, rừng bị phá hủy thì ở đó nguồn nước bị ảnh hưởng. Đa dạng sinh học cũng là nguyên vật liệu cho rất nhiều hoạt động kinh tế, cho cuộc sống của con người.
PV: Dù gặp vô vàn khó khăn nhưng từ năm 1962, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm tới công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên là Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từ đó đến nay, việc bảo vệ đa dạng sinh học đã và đang được tiếp diễn như thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thanh Bình: Nằm ở vùng Đông Nam Á với diện tích khoảng 330.541km2, Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu... của Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và các loài sinh vật. Về mặt địa sinh học, Việt Nam là giao điểm của các hệ động, thực vật thuộc vùng Ấn Độ - Miến Điện, Nam Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a - Ma-lai-xi-a. Các đặc điểm trên đã tạo cho nơi đây trở thành một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao của thế giới, với khoảng 10% số loài sinh vật, trong khi chỉ chiếm 1% diện tích đất liền của thế giới.
Hơn nửa thế kỷ qua, việc bảo vệ đa dạng sinh học đang tiếp diễn theo chiều hướng rất tốt. Năm 1962, chúng ta mới có 1 rừng quốc gia. Năm 2016, chúng ta có khoảng 164 khu rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng đó, một loạt cơ quan bảo vệ đa dạng sinh học đã ra đời. Đó là: Tổng cục Môi trường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), các cơ quan trực thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Từ năm 1962 đến nay, đã có rất nhiều luật liên quan bảo vệ đa dạng sinh học ra đời, ví dụ: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản. Luật Tài nguyên nước và đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học… Trên thế giới không nhiều quốc gia có Luật Đa dạng sinh học. Năm 2008, tôi đã có may mắn tham gia xây dựng bộ luật này.
PV: Kể từ năm 1962 đến nay, dường như, khi chúng ta càng có nhiều công cụ, có nhiều cơ quan chức năng thì đa dạng sinh học lại càng bị phá hủy nhiều hơn, thưa bà?
Bà Lê Thanh Bình: Phải nhìn vấn đề như thế này. Nếu không được bảo vệ, sự mất mát, sự tổn thất của đa dạng sinh học còn lớn hơn rất nhiều.
Bất cứ quốc gia nào cũng phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển và bảo tồn là hai mặt của một vấn đề. Ta càng mải mê phát triển kinh tế thì ta càng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên nhiên nhiên. Vì thế, chúng ta vừa sử dụng vừa phải giữ gìn. Vì trong hơn 5 thập kỷ qua, ta có nhiều công cụ, hành lang pháp lý nên đã giảm được sự mất mát của đa dạng sinh học.
PV: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học. Và để thực hiện công ước này, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và thông qua Luật Đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý vẫn bộc lộ nhiều bất cập, các tài nguyên sinh vật vẫn bị khai thác, thậm chí các tài nguyên thuộc vườn quốc gia vẫn bị xâm phạm. Theo bà, khó khăn lớn nhất trong việc bảo vệ đa dạng sinh học là gì?
Bà Lê Thanh Bình: Khó khăn lớn nhất là nhận thức. Văn bản, bộ máy đã có khá đầy đủ. Tức là chúng ta đã có đủ công cụ trong việc bảo vệ đa dạng sinh học nhưng vì sao vẫn tồn tại những vấn đề bất cập. Đó là vì vấn đề nhận thức.
Khi bàn tới vấn đề nhận thức, người ta thường đề cập vấn đề nhận thức của người dân. Nhưng tôi nghĩ thế chưa đủ, mà phải là nhận thức của nhà quản lý, của người lãnh đạo. Nếu nhận thức của người dân thấp, người ta chỉ có thể phá rừng nhỏ lẻ. Trong khi, nếu những nhà quản lý, nhà lãnh đạo ra lệnh ngăn một dòng sông, phá một diện tích rừng… sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đa dạng sinh học.
PV: Một trong những vấn đề khiến việc bảo vệ đa dạng sinh học thiếu hiệu quả là sự chồng chéo trong công tác quản lý. Theo bà, chúng ta cần làm gì để có sự quản lý thống nhất, tạo hiệu quả cao trong bảo vệ đa dạng sinh học?
Bà Lê Thanh Bình: Đa dạng sinh học liên quan rất nhiều bộ, ngành. Trong đó, liên quan nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, có thể là cả Bộ Giao thông vận tải… Vì thế, không thể thống nhất quản lý tất cả trong một bộ. Muốn bảo vệ được đa dạng sinh học, phải có sự liên kết giữa các bộ, ngành chứ không thể “chia sân”. Việc ấy dễ gây nên tình trạng cát cứ.
Còn nữa là việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Chúng ta đã có Luật Đa dạng sinh học, lại có Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học… Tức là, chúng ta đã có rất nhiều công cụ nhưng vẫn chưa thực hiện hiệu quả.
PV: Theo bà, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học? Cách phát huy vai trò đó?
Bà Lê Thanh Bình: Vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng vì họ là người sống cùng đa dạng sinh học. Họ sử dụng đa dạng sinh học hằng ngày. Họ cũng là người gìn giữ hay phá hủy đa dạng sinh học. Để bảo vệ và phát triển rừng, nếu không dựa vào người dân mà chỉ có lực lượng kiểm lâm thì không thể nào bảo đảm rừng được nguyên vẹn.
Để phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức. Sinh kế của người dân dựa nhiều vào đa dạng sinh học nên những hoạt động của họ gây ảnh hưởng rất lớn tới đa dạng sinh học. Vì thế, chúng ta phải là người cung cấp cho họ kiến thức, giúp cho họ, tạo cho họ sinh kế bền vững. Từ đó, họ mới giúp chúng ta bảo vệ đa dạng sinh học.
Mặt khác, cần truyền cảm hứng cho người dân. Ý thức bảo vệ đa dạng sinh học của người dân luôn tiềm ẩn. Vì thế mình phải khơi dậy sự tiềm ẩn ấy, biến sự tiềm ẩn ấy thành hành động cụ thể. Tôi lấy ví dụ, một trong những hoạt động của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là sự kiện “Cây di sản”. Đây đang là một hình thức truyền cảm hứng rất hiệu quả cho cộng đồng. Ta không nên nói chung chung là bảo vệ đa dạng sinh học mà phải cụ thể bảo vệ cái gì?
Khi được trang bị kiến thức, khi được truyền cảm hứng, cộng đồng sẽ hiểu, sẽ thấy việc bảo vệ đa dạng sinh học có ích với người ta. Từ đó họ tự nguyện làm!
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!
PV. TRẦN LONG – QĐND (thực hiện)
Lượt xem : 2444