Ông Trần Đức Hải, tham tán Đại sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan cho biết, các đập thuỷ điện ở sông Lan Thương "không phải là nguyên nhân khiến mực nước xuống thấp". Ông này khẳng định, tình trạng khô hạn không chỉ xảy ra tại các quốc gia vùng hạ nguồn dọc theo sông Mekong mà bản thân Trung Quốc cũng bị hạn hán tồi tệ.
Tuyên bố của ông Trần xuất hiện trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra hội nghị giữa Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mực nước xuống thấp trong dòng Mekong hùng vĩ. Bốn nước này cho rằng, Trung Quốc đã “hút cạn” con sông bằng các đập thuỷ điện.
Hãng Reuters đưa tin, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia sẽ gửi các quan chức tham gia một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 3 - 5/4 tới tại thị trấn ven biển Hua Hin của Thái Lan. Các nhà phân tích cho rằng, tại hội nghị này, đại diện các nước Đông Nam Á sẽ yêu cầu Trung Quốc xả nước từ hệ thống đập vùng thượng nguồn.
Mực nước ở Mekong - con sông lớn nhất Đông Nam Á bắt nguồn từ Tây Tạng chảy xuống các vựa lúa mênh mông miền Nam Việt Nam - đã hạ xuống còn 0.33 mét ở nhiều nơi (mức thấp nhất trong vài thập niên), khiến sản xuất nông nghiệp và nghề cá ở các nước hạ nguồn bị tác động nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng 11 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng ở miền nam Trung Quốc đang làm tắc nghẽn dòng chảy của con sông.
Tham tán Trung Quốc Trần Đức Hải nhấn mạnh, sông Lan Thương chỉ đóng góp 13,5% dòng chảy hàng năm của Mekong. Đồng thời, Trung Quốc cũng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh thái trong các dự án dọc con sông.
Vài tháng qua, hạn hán đã diễn ra ở khắp khu vực phía nam châu Á. Bản thân Trung Quốc cũng chịu áp lực chật vật chống hạn, với 50 triệu người vùng tây nam đại lục chịu ảnh hưởng.
Các nhà khí tượng dự báo, không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc sẽ giảm bớt trong ngắn hạn.
Theo VietNamNet (Cri)
|