Công ty Vinamilk dành 3 tỷ đồng trồng cây xanh trong năm 2015, trong đó dành gần 500 triệu đồng trồng gần 10.520
cây xanh các loại tại khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bà Bùi Thị Hương cũng cho biết, từ năm 2013 đến nay, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã tổ chức trồng cây tại hơn 20 tỉnh thành phố và các khu di tích văn hoá, lịch sử trên toàn quốc với tổng số hơn 250.000
cây xanh các loại có giá trị hơn 5 tỷ đồng. Sau khi trồng cây tại Bến Tre, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho VN sẽ tiếp tục hành trình trồng cây tại thêm nhiều tỉnh, thành phố khác trên khắp vùng miền cả nước – Tiền Phong đưa tin.
Quảng Ninh chính thức "xóa sổ" vấn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật
“Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dẫn đầu trong việc
bảo vệ các loài gấu châu Á. Hy vọng, qua thành công trong công tác cứu hộ gấu ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam có thể nhanh chóng chấm dứt hoạt động của các trại gấu trên toàn quốc và đảm bảo rằng khoảng 1.200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước sẽ không phải chịu thêm cảnh khổ đau.” Đó là chia sẻ của bà Jill Robinson, Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á, tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, chuyển giao gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra sáng 3/12 tại Hạ Long.
Trước thực tế trên, năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ quản lý cho 4.349 cá thể gấu nuôi không rõ nguồn gốc trên phạm vi cả nước, nhằm hướng đến việc chất dứt hoạt động nuôi nhốt
gấu bất hợp pháp. Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Ninh, đến nay, 33/33 cá thể gấu nuôi trên địa bàn đã được Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh cứu hộ về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam để chăm sóc trong môi trường bán hoang dã.
TPHCM còn 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM chiều nay 2-12 cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố còn 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với các vi phạm chủ yếu là xả khí thải, nước thải ra môi trường. Con số này là đã giảm so với số lượng 39 cơ sở gây
ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê hồi năm 2014 – Báo PL TP HCM cho biết.
Hiện chính quyền thành phố đang lên kế hoạch di dời 5/12 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng này trong năm 2017 và còn lại 7 cơ sở sẽ khắc phục ô nhiễm tại chỗ ngay trong năm 2016. Sau khi phối hợp với các quận, huyện rà soát, hiện thành phố có 464 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường và 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dầu gốc nhập khẩu làm nguyên liệu không phải nộp thuế bảo vệ môi trường
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính khi trả lời vướng mắc của Công ty CP Dầu nhớt và Hóa chất Việt Nam về thuế
bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Bộ Tài chính cho biết, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu dầu gốc để làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất, chế biến ra dầu nhờn để xuất, bán tại Việt Nam (gồm cả trường hợp xuất, bán cho tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu), doanh nghiệp không phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng dầu gốc nhập khẩu – theo Báo Hải Quan.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định thêm, doanh nghiệp buộc phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng dầu nhờn khi xuất, bán tại cơ quan Thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu dầu gốc để làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất, chế biến ra dầu nhờn và trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, doanh nghiệp thì mới không phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng dầu gốc khi nhập khẩu và lượng dầu nhờn khi xuất khẩu. Những khẳng định nói trên của Bộ Tài chính căn cứ vào những quy định tại Luật thuế Bảo vệ
môi trường và các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Vườn chim Prek Toal của Campuchia được công nhận là khu Ramsar
Vùng lõi Prek Toal của Biển Hồ Tonle Sap nằm phía Tây Bắc Campuchia, được biết đến là vườn chim Prek Toal, đã được công nhận là
khu dự trữ sinh quyển Ramsar thứ 4 của Campuchia. Thông cáo báo chí ngày 2/12 của Bộ Môi trường Campuchia cho biết, khu vực Prek Toal, với diện tích 21.342 ha nằm ở phía Tây Bắc của biển Hồ Tonle Sap là nơi các loài chim nước lớn nhất Đông Nam Á lựa chọn để cư trú và đẻ trứng, hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt và khai thác trứng quá độ - TTXVN đưa tin.
Đến nay, tại khu vực Prek Toal có khoảng 50.000 loài chim với ít nhất 10 loại chim quý đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng. Môi trường đa dạng sinh học tại Prek Toal còn bao gồm các quần thể thực vật ngập nước, các loài cá, bò sát, loài lưỡng cư, động vật có vú, rong tảo. Với nguồn thức ăn phong phú và sinh cảnh đầm lầy, rừng ngập nước, Prek Toal là nơi sinh sản, cư trú của các loại chim quý hiếm như cò Greater, cò Dải ngân hà, chim cốc khổng lồ, bồ nông chân xám, đại bàng đầu xám…Campuchia là một trong 151 quốc gia tham gia ký kết Công ước Ramsar về bảo tồn môi trường đất ngập nước.
Ô nhiễm không khí trầm trọng, Bắc Kinh đóng cửa các nhà máy
Nhà chức trách Bắc Kinh vừa ra quyết định đóng cửa hàng trăm nhà máy tại thành phố này trước trình trạng
ô nhiễm khói bụi đã đến mức báo động. Cùng với việc đóng cửa nhiều nhà máy, trẻ em cũng được phép nghỉ học vào những thời điểm khói bụi quá nhiều. Theo các số liệu đo lường, mức ô nhiễm khói bụi ở Bắc Kinh đã cao gấp 25 lần so với mức an toàn. Thông tin này như một đám mây che phủ Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 21 đang diễn ra tại Paris (Pháp) – theo Vnreview.
Đám mây khói bụi dày bao phủ thủ đô Trung Quốc có nồng độ PM 2.5 lên tới 634 mg/m3 (PM 2.5 là các hạt có kích thước từ 2,5 mm trở xuống, có khả năng lọt dễ dàng vào các cơ quan hô hấp như phổi và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ PM 2.5 an toàn tối đa không được quá 25 mg/m3. Chính vì trình trạng này, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa 2.100 doanh nghiệp gây
ô nhiễm không khí nặng. Tờ China Daily dẫn lời các quan chức cho biết họ khuyến cáo người dân hãy ở trong nhà nếu không thật sự cần thiết phải đi ra ngoài.
Liên minh châu Âu sẽ tái chế tới 65% lượng rác thải sinh hoạt
Theo những quy định sửa đổi về quản lý rác thải, được đề xuất ngày 2/12, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ tái chế tới 65% lượng rác thải sinh hoạt, tăng so với mức dưới 50% hiện tại. Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu lượng kim loại, chất dẻo, thực phẩm và các chất thải nhân tạo khác hiện chất đống tại các bãi rác hoặc đang làm ô nhiễm nghiêm trọng các đại dương – TTXVN đưa tin.
Mục tiêu tái chế 65% rác thải sinh hoạt thấp hơn mức 70% được đề ra trong kế hoạch ban đầu hồi năm ngoái, song EC cho rằng đây là mục tiêu "thực tế" hơn mà các chính phủ thành viên EU có thể đáp ứng. Ủy ban này cho biết kế hoạch sửa đổi về quản lý rác thải hướng mục tiêu cụ thể tới các chất dẻo, vì có tới 50% loại rác thải này đang đầy ứ ở các bãi rác và trôi dạt trên các đại dương, đe dọa nghiêm trọng tới sự sống của sinh vật biển. Cơ quan này cũng lập kế hoạch nhằm hạn chế lượng rác thải sinh hoạt được chuyển tới các bãi rác xuống 10% vào năm 2030, và 25% được tiêu hủy.
Loài cỏ có thể chống biến đổi khí hậu của thế giới
Một loài cỏ mọc nhanh và khỏe tên "lyu xin" (trái tim xanh) có thể trở thành vũ khí mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới. Cỏ lyu xin có thể mọc cao 5 m trong hai tháng và hoạt động như một miếng mút hút cacbon, hấp thụ lượng khí CO2 nhiều hơn cây xanh, theo Lei Xuejun, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chu kỳ cacbon tại Đại học Lâm nghiệp và Công nghệ Central South ở Hồ Nam, Trung Quốc. Theo Xinhua, Lei trồng cỏ lyu xin lần đầu tiên năm 2013 và bắt đầu tiến hành nghiên cứu về nó. Thành phố Trường Sa thuộc Hà Nam nhanh chóng nhận ra tiềm năng hạ thấp lượng CO2 trong không khí của loài cỏ - theo VnExpress.
Trong hơn hai năm qua, Trường Sa trồng hơn 20 ha cỏ và cung cấp ngân sách cho nhóm nghiên cứu của Lei để họ tối ưu hóa loài cỏ lai này. Có hình dáng tương tự cây mía hoặc cao lương, cỏ lyu xin mọc lại nhanh chóng sau khi cắt và có thể trồng 3 - 5 vụ một năm. Cây thu hoạch có thể đem nghiền và xử lý để cho ra đời những sản phẩm như giấy, vật liệu xây dựng và phân bón. Cỏ lyu xin chịu nhiệt độ cao và hạn hán cũng như phát triển tốt ở nơi đất cằn. Mỗi hecta cỏ có thể hấp thụ và cô đặc hơn 200 tấn CO2 một năm trong khi cây xanh chỉ hút được 15 tấn/ha, theo Trung tâm kiểm định chất lượng Trung Quốc. Xu Heping đến từ Bộ Khoa học cho biết, cỏ lyu xin có thể hạ thấp chi phí hút và lưu trữ cacbon, giảm mật độ CO2 trong không khí.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)