Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng ở Nam Trung Bộ 3. Nghiên cứu trường hợp
5/26/2014 6:20:45 AM
(VACNE) - 10 trường hợp về TTBĐ ở Nam Trung Bộ trải dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận được tuyển chọn để trình bày
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Vịnh tôm hùm Vĩnh Hy, Ninh Thuận
1.Sâm Ngọc Linh
Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại thuốc quý mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Từ tháng 1 năm 1995, công việc nghiên cứu gieo trồng sâm Ngọc Linh được tiến hành một cách có hệ thống hơn tại Trại Dược liệu Trà Linh. Những nỗ lực của Trại Dược liệu đã giúp tăng số lượng hạt đậu trên cây, tỷ lệ nảy mầm của hạt cao đến 75% khi gieo trồng, tỷ lệ cây sống khi trồng đại trà lên tới 95%, Cây nhân bản vô tính tỷ lệ sống và đâm chồi tới 65%, mọc khỏe, nhanh, ra hoa sớm và năng suất thân rễ và củ cao hơn so với cây mọc từ hạt.[i]
2.Quế Trà My, Quảng Nam
Trồng quế là sinh kế gắn liền với đời sống của người dân các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam. Trải qua hàng trăm năm kinh nghiệm, Trà My được khẳng định là loại quế có những tính năng vượt trội so với những loại quế ở vùng khác và được ví như “Cao sơn ngọc quế”. Tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế Trà My (Quảng Nam).Theo Sở KH-CN Quảng Nam, diện tích quế còn lại tập trung tại huyện Bắc Trà My chỉ khoảng trên 1.000 ha với số lượng 2,4 triệu cây; Nam Trà My khoảng 1.500 ha, số lượng gần 3 triệu cây. Quế được trồng ở hầu hết các xã, thị trấn của vùng Trà My, nhưng chất lượng tốt nhất thì chỉ có ở Trà Giác, Trà Giáp (Bắc Trà My) và Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My).[ii]
3.Rong sụn nuôi trong lồng lưới ở Cam Ranh
Trồng rong sụn là nghề truyền thống của người Cam Ranh Khánh Hòa. Trước đây người dân vẫn trồng treo trên day, năng suất thấp. Trồng rong trong lồng lưới là sáng kiển để giảm bớt sự thất thoát. Rong nuôi trong lồng khi rụng sẽ không bị trôi mát. Khoảng 1 tấn rong giống ban đầu (trị giá hơn 7 triệu đồng) theo phương pháp trồng treo dây đơn, sau 6 tháng, nếu thuận lợi sẽ cho thu hoạch khoảng 30 tấn rong tươi, tương đương với 4 tấn rong khô; còn khi trồng trong lồng lưới, sẽ thu hoạch hơn 50 tấn rong tươi (tương đương 7 tấn rong khô). Hiện với giá bán 17.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, sẽ mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa, nhờ được lồng lưới bảo vệ nên khoảng 2 tháng sau khi trồng, rong sụn sẽ nhanh chóng cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Rong sụn phát triển tốt ở các vùng nước lưu chuyển thông thoáng và thường xuyên. Để rong sụn trồng theo phương pháp lồng lưới sinh trưởng và phát triển tốt nhất, người nuôi cần chú ý đến các yếu tố: nhiệt độ, độ mặn và độ lưu chuyển của nước[iii]
4.Nuôi sá sùng ở Vạn Thạnh Vạn Ninh Khánh Hòa
Sá sùng là loài hải sản có giá trị cao, giá rất đắt và thường được đánh bắt tự nhiên khiến nguồn lợi nhiều nơi đã suy giảm. Người dân thôn Tuần Lễ xã Vạn Thạnh huyện Vạn Ninh Khánh Hòa biết cách nuôi sá sùng. Cứ 1ha đìa thu hoạch được 700kg sá sùng. Với giá năm 2010 thương lái thu mua tại bãi là 160 ngàn đồng/kg tươi, tổng thu hơn 100 triệu đồng/ 1ha/vụ. Nuôi đơn canh chỉ riêng sá sùng thì không nên nuôi quá dày vì chúng phàm ăn, phải cho ăn thêm cá nhỏ băm vụn. Nếu nuôi sá sùng hỗn canh với tôm thì nên thả tôm với mật độ thưa hơn bình thường, sá sùng sẽ ăn chung thức ăn với tôm. Mỗi vụ sá sùng khoảng 2 - 3 tháng. Mỗi lần khai thác chỉ nên bắt 50% sá sùng trong đìa, còn lại chúng tiếp tục sinh sôi, đợt sau khai thác tiếp. Mãi không hết.
Người dân xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) mấy năm gần đây bắt đầu cho sinh sản thành công sá sùng, mở ra triển vọng mới trong việc nuôi và phát triển loài thủy sản đem lại thu nhập cao này. So với nhiều loài thủy sản, sá sùng dễ nuôi, ít tốn chi phí lại cho giá trị kinh tế cao. Ông Gần xã Vạn Thọ cho biết, với 4.000m2 ao, mỗi năm thu mỗi năm 1,3 tấn sá sùng. Như vậy, năng suất sá sùng có thể đạt 2,5 - 3 tấn/ha/năm. Với giá thành hiện nay, người nuôi sá sùng có lãi 400 - 500 triệu đồng/ha/năm[iv].
5.Sầu riêng hạt lép Khánh Sơn – Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa chỉ có huyện miền núi Khánh Sơn mới trồng được loài sầu riêng rất thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/ quả. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 hằng năm, đây là thời điểm trái vụ so với những địa phương khác trên cả nước. Sầu riêng Khánh Sơn múi đều, to, căng mọng và vàng ươm, vị ngọt thanh, hạt chỉ bé bằng 2 ngón tay người lớn và rất lép.
Huyện Khánh Sơn có hơn 500 ha sầu riêng, trong đó khoảng 200 ha đã cho thu hoạch chất lượng ổn định, cơm vàng hạt lép. Hiện tại, mỗi cây có thể thu 40-60 kg quả/vụ. Năm 2010, chỉ gần một nửa vườn sầu riêng cho thu hoạch, ông Hổ đã thu được hơn 80 tấn quả, trừ chi phí, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Từ tháng 3/2011, thương hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn” chính thức được công nhận độc quyền[v]
6.Hành tỏi Phan Rang
Ngay ven đô thành phố Phan Rang khô hạn vào bậc nhất cả nước có các làng Văn Sơn (xã Văn Hải), Mỹ Tường (Nhơn Hải- Ninh Hải), Thái An (Vinh Hải- Ninh Hải) chuyên canh hành, tỏi đã duy trì liên tục suốt nhiều chục năm qua. chất lượng đồng nhất, được gọi một tên chung là hành tỏi Phan Rang.
Hành tỏi Phan Rang củ khá nhỏ, hấp dẫn từ hình hài, màu sắc đến hương vị. Hành tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong thời gian 3 - 6 tháng sau thu hoạch, thậm chí lâu hơn nữa mà vẫn giữ hương vị ban đầu, không bị thối, óp. Đất trồng hành, tỏi ở Ninh Thuận là đất cát trên nền trầm tích của san hô, loại đất rất giàu các khoáng chất ka li, ma giê, sắt…[vi] rất giống đất trồng hành tỏi của đảo Lý Sơn, do đó Phan Rang trở thành nơi cấp giống truyền thống cho “Tỏi Lý Sơn” nổi tiếng.
7.Tôm hùm Vĩnh Hy Ninh Thuận
Vĩnh Hy là một thôn của xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), nằm biệt lập về hướng đông bắc Vườn quốc gia Núi Chúa. Vĩnh Hy có các dãy núi bao bọc, tạo ra một đầm nước rộng gần 100 ha, kín gió, độ sâu ổn định từ một đến năm m, rất thích hợp để phát triển nghề nuôi trồng hải đặc sản, nhất là tôm hùm. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân đã đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm và nhanh chóng phát triển thành "làng tôm hùm" Vĩnh Hy.
Thời điểm nghề nuôi tôm hùm phát triển rộ là trong ba năm, từ 1999 đến 2000, toàn thôn có đến 250 lồng nuôi tôm hùm. Theo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản Ninh Thuận giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, khu vực đầm Vĩnh Hy chỉ có thể phát triển tối đa đến 200 lồng. Về nuôi ương tôm hùm giống, sẽ phát triển ở khu vực Đông Hải, Vĩnh Tường, Đầu Voi với tổng cộng khoảng 200 lồng[vii].
8. Tri thức bản địa về dược liệu của người Raglay Ninh Thuận và Bình Thuận
Phan Lâm và Phan Sơn, là hai xã dân tộc miền núi thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận) chủ yếu là đồng bào Raglai có nhiều kinh nghiệm sử dụng các loại cây cỏ hoang dại trong rừng để chữa bệnh. Có cả những loại cây chữa bệnh nan y (ung thư gan, ung thư máu, phong,…) đã khảo sát và thống kê khoảng 103 loại cây thuốc.
Tại Kà Lon, có một ngôi miếu được xây dựng để thờ ông thầy thuốc cách nay khoảng 200 năm. Hàng năm, người dân tổ chức hai đợt cúng tế tại miếu, cả cộng đồng người Raglai và Cơ Ho cùng đóng góp lễ vật và đến miếu tham dự đầy đủ.
Tại làng Chăm Phước Nhơn, có 90% hộ làm nghề thuốc cổ truyền. Hơn 10 năm qua, Hội Y học cổ truyền Ninh Thuận đã tập hợp được 300 phương thuốc gia truyền của 210 hội viên. Hội đã tổ chức điều tra, thống kê trên 300 loài thực vật làm thuốc ở địa phương. Đặc biệt, Chi hội Y học cổ truyền xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) đã đúc kết được 136 bài thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc Chăm, huyện Ninh Sơn đúc kết được 50 bài thuốc của đồng bào Raglai.[viii]
Có những bài thuốc rất lạ lùng. Ví dụ bài thuốc chữa dập thương từ củ cây Zrao ù rạ (một loài cây rừng nom giống như cây nghệ hoang dại) phải do đàn ông thu hái và chế biến mới hiệu nghiệm. Hễ có bóng đàn bà đi qua là hỏng. Bài thuốc từ rễ cây Zra dia pụi dùng để hồi sức phụ nữ sau khi sinh phải thu hái từ một loài dây leo bị sét đánh cụt ngọn. Sản phụ chỉ cần uống nước sắc rễ cây Zrao dia pụi thì 2 giờ sau khi sinh đẻ đã có thể ra suối tắm rửa và đi làm nương được ngay.
9.Nuôi bò dưới tán rừng ở Ninh Thuận, Bình thuận và Khánh Hòa
Bác Ái là huyện miền núi Ninh Thuận. Tổng đàn gia súc có sừng huyện Bác Ái năm 2013 có trên 18.400 con, bao gồm gần 15.150 con bò, 1.000 con trâu và gần 2.300 con dê, cừu (đa số là dê). Ninh Thuận là vùng khô hạn, đồng cỏ nghèo nàn. Đã từ xa xưa việc chăn thả gia súc có sừng dưới tán rừng đã trở thành một sinh kế độc đáo,đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng thu nhập cho người dân[ix].
Ở xã Cư M'lan, huyện Ea Sú, tỉnh Đắk Lắk hiện nay đang hình thành mô hình chăn nuôi bò thịt dưới tán rừng. nhằm tận dụng thảm thực vật và diện tích rừng sẵn có. Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: từ 6 mô hình ban đầu, đến nay, toàn huyện đã có thêm 43 mô hình nuôi bò dưới tán lá rừng[x]
Vài năm gần đây, một hiện tượng lai tự nhiên thú vị giữa bò tót (có thể bắt đầu từ những con bò tót già tách đàn) với bò nhà đã xảy ra tại vùng rừng giáp ranh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Trong khoảng giữa tháng 6/2011, một con bò tót đực ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình (Ninh Thuận) đã sống chung với đàn bò nhà của ông Nguyễn Văn Chuẩn và kết quả là một con bê lai bò tót đã ra đời. Từ đó đến nay, đã ra đời 11 con bê con[xi].
Ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hoà sẽ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giống bò lai bò tót (F1. F2) ; tiếp tục xây dựng dự án nhân rộng kết quả đề tài, tạo ra các bò lai F2 làm bò giống thương phẩm và thương mại hóa sản phẩm trên thị trường[xii].
10. Nghề trồng mai vàng ở Bình Định
Hiện nay ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn Bình Định có 6 làng nghề trồng mai (mai vàng), trong đó nhiều nhất là làng Háo Đức. Hiện nay toàn xã có trên 1.500 hộ trồng mai có quy mô trên 100 chậu trở lên (toàn xã có 2.400 hộ). Năm 1995 nghề trồng mai bắt đầu phát triển với quy mô rộng lớn. Người dân chủ yếu trồng ở đất vườn, sau đó trồng ở một số thửa ruộng gần nhà. Mai được xem là nghề truyền thống, và là mũi nhọn kinh tế của xã Nhơn An. Mỗi dịp Tết người dân xã Nhơn An cung cấp cho thị trường mai tết hàng chục ngàn chậu mai, tổng thu nhập từ mai lên đến cả chục tỷ đồng, một số tiền lớn đối với vùng quê nghèo.
Mai Bình Định được ưa chuộng vì ngoài sắc vàng rực còn có thế đẹp, đa dạng. Hiện ở Bình Định có tới vài chục giống mai: hồng mai, hoàng mai, bạch mai phân biệt theo màu hoa; cúc mai, hoàng tỉ, ngũ đài hoa… phân biệt theo cấu tạo hoa, theo số cánh hoa. Rồi còn mai thế (mai bonsai) với giá có thể lên đến trên dưới trăm triệu đồng mỗi chậu.
Người Bình Định vốn yêu thích thi ca và thượng võ, dường như tìm thấy cách thể hiện cốt cách của mình ở cây mai vàng. Nhìn vào “thế” mai, người ta cũng có thể biết được người trồng. Trồng mai cũng có “đạo trồng mai”, ngộ ra được “đạo trồng mai” phải là người có cơ duyên với cây mai. Mà người Bình Định - quê hương của Tây Sơn Tam kiệt, của tuồng Đào Tấn, của thi phẩm Hàn Mặc Tử - vốn từ xa xưa đã sẵn cái duyên đó.
TÀI LIỆU DẪN
[i] Sâm Ngọc Linh. Wilipedia
[viii] Nguyễn Thị Thanh Vân. Bước đầu tìm hiểu cây thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong sách Nam Bộ Dân tộc và tôn giáo, NXB KHXH, Hà Nội, 2005, tr. 165-190
Lượt xem : 2254