Vietnamese English
Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng ở Nam Trung Bộ 2. Các loại hình Tri thức bản địa

5/25/2014 11:49:25 AM

(VACNE) - Nói đến Tri thức Bản địa (TTBĐ) là nói đến sinh kế của cộng đồng Hiện nay cách phân loại tiện dụng hơn cả là chia TTBĐ thành loại TTBĐ truyền thống và loại TTBĐ phát triển

 
 
 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE

 
 
Nghề trồng hành tỏi ở Phan Rang

 
2.1.. Các yếu tố của TTBĐ.
G.Louise, 1993[i] phát biểu rất ngắn gọn và rõ ràng rằng TTBĐ  là hệ thống tri thức tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định ở vùng địa lý xác định với sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng.  
Như vậy có ba yếu tố góp phần hình thành nên TTBĐ. Đó là (i) Phạm vi địa lý xác định, (ii) Trong hoàn cảnh nhất định và (iii) Là của một cộng đồng  cụ thể. Hay nói một cách khác TTBĐ  hình thành trong điều kiện không gian nhất định (Đặc trưng Địa sinh thái) với sự đóng góp của một cộng đồng cụ thể (Đặc trưng Địa nhân văn) được đúc rút từ ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên để kiếm sống (Đặc trưng Địa sinh kế). Do những giá trị của nó đối với đời sống cộng đồng địa phương, TTBĐ  luôn được kế thừa và phát triển, từ đời này qua đời khác. Nối cách khác khi không áp dụng được vào sinh kế địa phương thì chắc chắn không có TTBĐ. Như vậy TTBĐ và Sinh kế có sự lồng ghép chặt chẽ vào nhau.
2.2.Các loại hình Tri thức bản địa
E.Mathias, 1995[ii] phân chia TTBĐ thành mấy loại hình sau:
1- Các kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất đã được sàng lọc.
2- Niềm tin tín ngưỡng thần linh.
3- Cách thức tổ chức sản xuất.
4- Các thao tác kỹ thuật trong hoạt động sản xuất.
5- Các loại công cụ sản xuất tương ứng.
6- Quá trình vận động tiếp thu và thử nghiệm.
Đoàn Ngọc Khôi và ctg (2010) cũng cho rằng do TTBĐ gắn bó với cuộc sống của người dân và được trải nghiệm trong lịch sử nên chúng chủ yếu liên quan đến sinh kế của các cộng đồng nông ngư nghiệp. TTBĐ tuy là những kinh nghiệm sống và sản xuất, nhưng lại liên tục vận động và thay đổi phù hợp với những điều kiện mới, cơ cấu xã hội mới[iii].
Ngày nay, do đánh giá đúng hơn về giá trị của TTBĐ nên các nhà khoa học đã tiến hành thu thập, tổng kết, áp dụng nhân rộng và tích hợp các kiến thức khoa học vào TTBĐ. Từ đó hình thành nên loại hình TTBĐ có nhiều hàm lượng KHCN hơn. Do vậy có thể chia TTBĐ thành 2 nhóm:
(i)              Nhóm TTBĐ truyền thống của các cộng đồng địa phương, gần giữ nguyên dạng cổ xưa (ví dụ TTBĐ của nhiều dân tộc ít người về cây thuốc và các bài thuốc)
(ii)           Nhóm TTBĐ phát triển, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học và tích hợp nhiều kiến thức Khoa học Công nghệ mới vào nhóm (i). Loại TTBĐ này có thể được nhân rộng sang các vùng miền khác, các cộng đồng khác (Ví dụ việc phát triển cây Sầu riêng hạt lép ở Khánh Hòa hay nghề nuôi tôm hùm lồng ở Vĩnh Hy Ninh Thuận,…). Loại TTBĐ phát triển này có ảnh hưởng tích cực đến sinh kế địa phương nơi chúng được áp dụng.
 


TÀI LIỆU DẪN
[i] Grenier, Louise (1997). Working with Indigenous Knowledge – A Guide for Researchers. IDRC BOOKS. Ottawas – Cairo – Dakar – Johannesburg – Montevideo – Nairobi - New Delhi – Singapore.
[ii] Evelyn Mathias (1995), Building on Indigenous Knowledge, Resource Management for Upland Areas in Southeast Asia, FAO – International Institute of Rural Reconstruction (IIRR), Cavite – Philippines.
[iii] Đoàn Ngọc Khôi và ctg. 2010.Tri thức bản địa ở Quảng Ngãi. ubnd.quangngai.gov.vn/userfiles/bao%20cao%20ket%20qua(1).doc
 
 

Nguyễn Đình Hòe - VACNE

Lượt xem : 1798