Vietnamese English
Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng ở Nam Trung Bộ 1.Tri thức bản địa hay Kiến thức bản địa?

5/24/2014 7:02:14 PM

(VACNE). - Đây là loạt bài trích từ Báo cáo tham luận của tác giả gửi đến Hội thảo “Bảo vệ Đa dạng sinh học Dãy Trường Sơn lần thứ 6”, sẽ được VACNE tổ chức vào tháng 7 năm 2014

 
 
 
Nguyễn Đình Hòe VACNE


 
 
Bò lai giữa bò nhà và bò tót nhờ mô hình chăn thả dưới tán rừng ở Ninh Thuận
 
Các tỉnh ven biển Nam Trung bộ là nơi dải Trường Sơn ăn ra biển, tạo ra những vũng vịnh nhỏ, những đồng bằng hẹp, những dòng sông ngắn và ít nước, những con đèo, những hòn đảo lớn nhỏ, những vùng địa sinh thái khác nhau về nền đất thổ nhưỡng, về chế độ khí hậu thủy hải văn. đồng thời cũng là nơi có tính đa dạng dân tộc rất cao. Đây chính là cái nôi ươm mầm phát triển cho nhiều loại hình Tri thức Bản địa (TTBĐ) kể cả kiểu truyền thống lẫn kiểu phát triển. Điều đó có ý nghĩa quyết định trong tính đa dạng của sinh kế địa phương góp phần ứng phó tốt hơn với Biến đổi khí hậu


1.1.Tri thức bản địa hay Kiến thức bản địa?

Khái niệm này trong tiếng Anh có 1 thuật ngữ là Indigenous knowledge (IK). Nhưng ở Việt Nam, người thì gọi Tri thức bản địa, người thì dùng Kiến thức bản địa. Kiến thức nhờ học tập nghiên cứu mà có, nó là sản phẩm khoa học và công nghệ. Tri thức bao gồm cả kiến thức và những cảm nhận nghề nghiệp về những yếu tố “bên ngoài khoa học”. Ví dụ những người nuôi tôm giỏi Ninh Thuận thường nói “phải biết cách nghe con tôm nó thở để chọn cách chăm sóc” thì không sợ mất mùa tôm, phụ nữ Raglay ở Ninh Thuận phải tránh xa khi người đàn ông vào rừng đào củ cây Zrao ù rạ về làm thuốc chữa dập thương,… Đó là những vấn đề cho đến nay vẫn nằm “ngoài khoa học”. Vì vậy trong báo cáo này, thuật ngữ Indigenous knowledge (IK) được gọi là Tri thức bản địa.

1.2. Tri thức bản địa (TTBĐ) là gì?

UNESCO (2010) nhấn mạnh rằng Indigenous Knowledge (IK) là một hệ thống tri thức, thường được gọi là Tri thức bản địa hay Tri thức truyền thống, là loại di sản “không thể hiểu thấu” (intangible) của nhân loại trên toàn cầu. TTBĐ bao gồm các hiểu biết, kỹ năng và cả triết lý quyết định giao diện giữa hệ sinh thái và hệ xã hội, cũng như quyết định sự tương thích giữa thiên nhiên và văn hóa [i]

Khác với kiến thức chính thống, TTBĐ là những tri thức không chính thống được truyền miệng từ đời này sang đời khác và rất hiếm khi được ghi chép lại. Cho dù vẫn có những biến tấu khác nhau nhưng định nghĩa của UNESCO hay của Ngân hàng Thế giới nêu trên về TTBĐ sau đó cơ bản đã được nhiều tác giả sử dụng, như Flavier et al. 1995: 479)[ii], World Bank, 1997[iii], Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc, 1998[iv], và hàng loạt tác giả khác được trích dẫn trong báo cáo này.  Như vậy đặc trưng cơ bản nhất của TTBĐ là tính đặc hữu, nó là hệ thống tri thức của các dân tộc bản địa hay của cộng đồng tại một khu vực cụ thể, được tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định ở vùng địa lý nhất định (R. Chambers, M.Warren,1992)[v].

Cũng còn một số cách gọi khác ít phổ biến hơn như “Tri thức địa phương” (local knowledge), “Tri thức truyền thống” (traditional knowledge) hoặc “Tri thức kỹ thuật bản địa” (Indigenous technical knowledge)[vi]

Cho tới nay, TTBĐ đã được công nhận là nguồn tri thức có giá trị cao trong cuộc sống con người và “là cơ sở cho những sáng tạo kế thừa của nhiều ngành khoa học và là mối quan tâm của toàn thế giới. Ngày nay nhờ có sự trợ giúp của công nghệ thông tin, TTBĐ được biết đến nhiều hơn và trở thành một trong những vấn đề được quan tâm ngày càng rộng rãi” [vii]
 


TÀI LIỆU DẪN
[i][i] Nakashima, Douglas (ed.), 2010. Indigenous Knowledge in Global Policies and Practice for Education, Science and Culture UNESCO: Paris.
[ii] Flavier J.M. et al. 1995 "The regional program for the promotion of indigenous knowledge in Asia", pp. 479-487 in Warren, D.M., L.J. Slikkerveer and D. Brokensha (eds) The cultural dimension of development: Indigenous knowledge systems. London: Intermediate Technology Publications
[iii] World Bank, 1997, "Knowledge and Skills for the Information Age, The First Meeting of the Mediterranean Development Forum"; Mediterranean Development Forum, URL: http://www.worldbank.org/html/fpd/technet/mdf/objectiv.htm
[iv] Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc, 1998. Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. NXB Nông nghiệp Hà Nội
[v] Warren, M.D (1992), Indigenous knowledge biodiversity conservation and developmen Key note address intern. Conference on conservation of Biodiversity Nairoby, Kenya 15 pp.
[vi] Phạm Quốc Hùng và Hoàng Ngọc Ý. 2009.Nghiên cứu tri thức bản địa của người Mông tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò tnhr Hòa Bình trong bảo vệ rừng. TT Con người và Thiên nhiên, Hà Nội
[vii] Nguyễn Thị Hải Yến 2009.Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam http://dl.vnu.edu.vn/bitstream/11126/2880/1/00050000669.pdf
 
 

Nguyễn Đình Hòe, VACNE

Lượt xem : 4559