Trà Vinh: Tăng sức ‘đề kháng’ trước biến đổi khí hậu
12/31/2020 8:16:00 AM
Sau hơn 6 năm hoạt động (2014 - 2020), Dự án Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Trà Vinh đã mang lại nhiều tác động tích cực, để lại ‘cần câu’ giúp người dân sinh kế ổn định và bền vững.
Nhận diện thách thức
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là một trong ba vùng sẽ bị thiệt hại nặng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là do xâm nhập mặn và hạn hán.
|
Ao nuôi tôm ở Trà Vinh
|
Thực tế, toàn tỉnh có hệ thống sông phong phú với chiều dài 578 km, trong đó, có các sông lớn là sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít cung cấp phù sa và nguồn tài nguyên nước phong phú cho tỉnh. Song, Trà Vinh lại bị ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều biển Đông qua sông Cổ Chiên và sông Hậu nên khi bị tác động của nước biển dâng sẽ làm cho dòng chảy trên các kênh rạch biến động theo hướng bất lợi.
Cùng với đó, tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng có địa hình cao, trong khi một số vùng có địa hình thấp lại thường xuyên bị ngập úng khi bị tác động của mưa và thủy triều.
Kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, riêng Trà Vinh sẽ có 1.021 km2 (gần 46% diện tích) bị nhấn chìm trong nước. Hiện nay, độ mặn trong nước so với cùng kỳ năm trước đã tăng lên gần gấp đôi, từ 0,35% lên 0,67%.
Khó khăn này ảnh hưởng đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị, đặc biệt là các vùng nhạy cảm ven biển như huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang...
Những ‘trái ngọt’
Trước những ảnh hưởng nặng nề đó, Trà Vinh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó và trở thành một địa phương điển hình của ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó, có kết quả nổi bật của Dự án AMD Trà Vinh được triển khai từ 2014 - 2020.
Dự án có tổng kinh phí 24,8 triệu USD. Trong đó, vốn vay IFAD (Quỹ Hỗ trợ Quốc tế về phát triển nông nghiệp) là 11,1 triệu USD; Chính phủ Việt Nam đóng góp 3,8 triệu USD và người hưởng lợi đóng góp 3,9 triệu USD. Dự án được thiết kế với 2 hợp phần chính, nhằm mục đích “sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện môi trường đang thay đổi” và mục tiêu “tăng cường năng lực thích ứng của cộng đồng và thể chế mục tiêu để ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu”. Dự án được triển khai thực hiện từ ngày 28/3/2014 ở 30 xã của tỉnh và kết thúc vào cuối năm 2020. Đây là dự án lớn, có tầm ảnh hưởng và đối tượng hưởng lợi rộng.
Hiệu quả lớn nhất của Dự án AMD Trà Vinh được xem là 'cần câu' đã trao cho nông dân, với đầu tư và hỗ trợ từ Dự án AMD, giai đoạn 2014 - 2019, hộ nghèo tại 30 xã thực hiện Dự án đã giảm 70,4%, vượt chỉ tiêu 60% đề ra trong thiết kế và cao hơn mức giảm 67,9% của các xã ngoài dự án.
Dự án đóng góp không nhỏ, nhờ tăng thu nhập từ hoạt động kinh tế, thể hiện qua 85,8% hộ nghèo vùng Dự án có tăng thu nhập trong cùng kỳ, trong đó gần 41% số hộ có mức tăng trên 30%. Hộ trong vùng Dự án cũng có thu nhập trung bình cao hơn đáng kể so với hộ ngoài vùng Dự án (62,14 triệu đồng so với 52,16 triệu đồng).
Thu nhập tăng có liên quan đến việc cải thiện tiếp cận thị trường và năng lực thích ứng BĐKH của hộ dân; 23 - 88% số hộ trong vùng Dự án tăng được sản lượng và giá trị bán các nông sản lúa, đậu phộng, rau màu, gia cầm, thủy sản, trong đó tỉ lệ hộ tăng giá trị luôn cao hơn tỉ lệ hộ tăng sản lượng từ 7% đến 10%; 65% số hộ được tập huấn, hỗ trợ về thị trường đã tận dụng thông tin để bán hàng hóa dễ dàng hơn hay với giá cao hơn trước.
Về trồng trọt và thủy sản, 12 sản phẩm được dự án tập trung đầu tư trong vùng Dự án đã tăng sản lượng, 6 sản phẩm tăng năng suất… Khoảng 60% số hộ trong vùng Dự án đã áp dụng ít nhất một nhóm giải pháp sản xuất thích ứng BĐKH, trên 85% số hộ được tập huấn nội dung này cho biết họ ứng phó tốt hơn và hạn chế được tác hại do thiên tai.
Dự án kết thúc, tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Dự án đều đạt và vượt, đã góp phần cùng với tỉnh Trà Vinh tập trung giảm nghèo bền vững; xây dựng và trao kiến thức cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục vươn lên, góp phần giúp cho Trà Vinh trở thành nhóm phát triển kinh tế khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép nội dung rủi ro thiên tai và BĐKH, có sự tham gia theo định hướng thị trường ở cấp xã, huyện được UBND tỉnh thể chế hóa và nhân rộng ra toàn tỉnh; xây dựng kịch bản BĐKH cấp tỉnh và huyện; danh mục phải đăng ký khai thác nước dưới đất và danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
Dự án đã góp phần giúp 50% xã vùng Dự án hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tốc độ giảm nghèo vùng Dự án nhanh hơn so xã ngoài vùng Dự án; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức lại sản xuất trong vùng dự án.
Xuân Hợp/TNMT
Lượt xem : 1687