Vietnamese English
TP. HCM: Nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu

11/4/2022 7:31:00 AM

Các chuyên gia cho rằng, với mật độ dân số ngày càng cao tại các đô thị cũng như tình trạng ô nhiễm từ các khu công nghiệp thì việc bảo vệ, mở rộng diện tích mảng xanh, bảo vệ diện tích rừng hiện có tại TP. HCM được xem là giải pháp hiệu quả để cải thiện môi trường sống đô thị, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như TP. HCM là 15 m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng đầu người hiện tại của TP. HCM thấp hơn rất nhiều, chưa đến 1 m2/người.

Tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cây xanh trên toàn thành phố khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người. Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP. HCM, toàn thành phố hiện có 508,561 ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của TP. HCM chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người (trên quy mô dân số 9 triệu người), thấp hơn nhiều so với quy hoạch được phê duyệt.  

Ngoài ra, những năm gần đây diện tích mảng xanh của TP. HCM chủ yếu phát triển theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Việc phát triển này chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhất là đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như các Quận: 2, 7, 9, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè...

Trong năm 2022 thành phố đặt mục tiêu đầu tư xây dựng mới tối thiểu 10 ha công viên công cộng và 2 ha mảng xanh công cộng nhằm cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Để phát triển mảng xanh trên địa bàn TP. HCM, trong năm 2022 thành phố đặt mục tiêu đầu tư xây dựng mới tối thiểu 10 ha công viên công cộng và 2 ha mảng xanh công cộng, thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh trên địa bàn Thành phố. Trước đó, UBND TP. HCM đã thông qua "Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2021-2030" nhằm tăng tỉ lệ phủ xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Với đề án này, TP. HCM hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên công cộng, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4 m2/người, qua đó, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của thành phố.

Nghiên cứu của Viện Sinh thái Miền Nam cho thấy, nếu thành phố trồng thêm 1 triệu cây xanh và mở rộng thêm 100 ha diện tích công viên thì tại các khu vực này bức xạ nhiệt sẽ giảm 30-40%, đồng thời cải thiện được hàng triệu tấn khí thải và khói bụi hàng năm. Sở Xây dựng TP. HCM dự kiến tăng quỹ đất cho công viên gấp 30 lần so với thực tế. Riêng giai đoạn từ năm 2021-2025, TP. HCM xây dựng và đưa vào hoạt động 23 dự án thuộc Chương trình phát triển công viên cây và cây xanh công cộng, với tổng diện tích được xây dựng lên đến 230 ha...

Cùng với việc mở rộng diện tích mảng xanh, TP. HCM triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có đồng thời thực hiện hai mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016: với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, nhiệt độ của TP. HCM sẽ tăng 1,9 độ C vào năm 2100; theo kịch bản biến đổi khí hậu cao, nhiệt độ của TP. HCM sẽ tăng 3,5 độ C. Theo kịch bản ngập lụt TP. HCM, nếu nước biển dâng 100cm thì 17% diện tích TP. HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...

TP. HCM tăng cường các giải pháp bảo vệ, phát triển diện tích rừng hiện có nhằm đảm bảo cân bằng chất lượng môi trường, ứng phó với BĐKH

Trước dự báo trên, trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, TP. HCM đặt mục tiêu trồng 50 ha rừng trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng hiện có (Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi) đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm giảm thiểu tác động liên quan đến triều cường và nước biển dâng.

Ngoài ra, tại Kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, TP. HCM đặt mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố sẽ trồng cây xanh qua phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh đường phố và cây xanh trong các công sở, trường học, khu dân cư là 8.341.750 cây các loại; tạo được 1.658.250 cây rừng thông qua phát triển rừng, trồng rừng tập trung, cải tạo chăm sóc, làm giàu rừng trên diện tích 1.140 ha. 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, để quản lý, phát triển mảng xanh trong đô thị, TP. HCM cần siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên. Đồng thời, cần thanh tra, giám sát các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc các cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh theo đúng quy định để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện hơn với môi trường.

Lãnh đạo UBND TP. HCM cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển công viên cây xanh. Theo đó, Nhà nước sẽ làm quy hoạch cho các chỉ tiêu quy hoạch của từng dự án; xây dựng chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công viên; xây dựng cơ chế quản lý để phát triển công viên có hiệu quả nhất.

Minh Hòa

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 1227