Vietnamese English
TP.HCM hướng đến tương lai giao thông đô thị xanh và thông minh

3/31/2025 9:30:00 AM

Ngành giao thông TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp để kéo giảm tình trạng ùn tắc, ô nhiễm hiện hữu, hướng đến tương lai giao thông đô thị xanh và thông minh.

Ứng dụng công nghệ AI để điều tiết giao thông

Để giải quyết ùn ứ cho nhiều điểm nóng giao thông trên địa bàn, thời gian qua, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ (AI) trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nhiều giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại một số nút giao lớn như Ung Văn Khiêm, Ngã tư Hàng Xanh, Ngã 5 Đài Liệt sỹ… hiện đang được triển khai thí điểm ứng dụng camera bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Việc này đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực.

img

Nhiều "điểm nóng" giao thông tại TP.HCM được triển khai ứng dụng công nghệ (AI) trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: D.B

Theo đó, công nghệ AI giúp xây dựng các kịch bản giao thông, tối ưu hóa điều tiết dòng xe và liên kết mạng lưới giao thông giữa các nút giao. Hệ thống này không chỉ đơn thuần ghi hình mà còn được trang bị khả năng tự động phát hiện và cảnh báo các sự cố giao thông như tai nạn, ùn tắc, vi phạm luật giao thông.

Dữ liệu thu thập từ camera sẽ được truyền về trung tâm điều hành, hỗ trợ lực lượng chức năng nắm bắt tình hình và xử lý sự cố một cách kịp thời.

Điểm đặc biệt của hệ thống này là người dân cũng có thể truy cập và theo dõi trực tiếp hình ảnh giao thông tại các khu vực được lắp đặt camera. Người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp nhất, tránh được các khu vực ùn tắc, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.

Chị Nguyễn Thanh Giang (trú quận 10) chia sẻ: "Tại các tuyến đường có camera giám sát người dân tham gia giao thông rất nghiêm túc. Ngoài thực hiện giám sát, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông tôi thấy cũng rất hợp lý, lực lượng chức năng có thể phân tích các tình huống để đưa ra hiệu lệnh cần thiết mà không bị động".

img

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM thực hiện các nhiệm vụ giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: D.B

Theo Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, đơn vị đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông. Trong đó, 843 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động độc lập, 227 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động kết nối điều khiển tại Trung tâm điều khiển.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông này do Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị quản lý.

Anh Nguyễn Kỳ Nam, Đội trưởng đội Vận hành giám sát giao thông cho biết, thời gian quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ AI để điều tiết giao thông.

"Sau thời gian ứng dụng AI trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, chúng tôi thấy kết quả rất khả quan. AI đáp ứng được việc điều khiển lưu lượng phương tiện thực tế hằng ngày, thay đổi theo các khung giờ khác nhau", anh Nam thông tin.

"Phủ sóng" xe buýt điện toàn TP.HCM vào năm 2030

TP.HCM hiện quản lý hơn 9,4 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 980.000 xe ôtô và hơn 8,4 triệu xe máy, phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động giao thông mỗi năm phát thải hơn 13 triệu tấn CO2.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm ô nhiễm môi trường, TP.HCM đã xây dựng chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, TP đang tập trung ưu tiên cho hệ thống xe buýt xanh.

 

TP.HCM đã đưa vào vận hành hơn 500 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, chiếm khoảng 25% tổng số xe buýt (2.200 xe). Giai đoạn 2025 - 2030, TP dự kiến triển khai thêm 2.771 xe buýt điện, trong đó 1.663 xe sẽ thay thế phương tiện cũ, còn 1.108 xe được đầu tư mới cho các tuyến mở rộng.

Thực tế 2 năm qua, TP.HCM đã thí điểm tuyến xe buýt điện. Tuyến xe buýt điện này được đánh giá là an toàn, hiệu quả, hoàn toàn phù hợp với điều kiện hạ tầng và khí hậu TPHCM.

img

TP.HCM từng bước chuyển sang phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Ảnh: D.V

Thông tin từ Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, hệ thống xe buýt hiện có khoảng 2.209 phương tiện. Trong đó có 546 xe điện, xe CNG; 1.663 xe sử dụng nhiên liệu diesel. Tổng lượng phát thải hiện tại là CO2 là 553.299 tấn/năm 2024.

Dự kiến số lượng xe trên các tuyến mở mới giai đoạn năm 2025 - 2030 là 1.108 xe, nâng tổng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 là 3.317 xe.

"Nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở TP sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030 do số lượng xe buýt tăng trên 50%, gây hại sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế", đại diện Sở Giao thông Công chánh nhận định.

img

TP.HCM triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh giai đoạn 2025-2030. Ảnh: D.B

Trước thực trạng đó, TP.HCM đã thống nhất triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh theo hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tập trung vào việc nghiên cứu và xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng.

Giai đoạn 2: Xây dựng và hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Trong giai đoạn này, huyện Cần Giờ sẽ được xem xét như một đơn vị ưu tiên để thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng điện.

Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2025 - 2030 trên 3.521 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện giai đoạn 2025 - 2030 trên 2.094 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện 79,4 tỷ đồng; đầu tư công xây dựng trạm cung cấp năng lượng điện trên 1.347 tỷ đồng.

Diệu Bình (danviet.vn)

Lượt xem : 91