Vietnamese English
TP.HCM: Đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ

4/16/2021 7:17:00 AM

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng cục Thủy sản đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ, đưa Khu bảo tồn này vào danh mục các khu bảo tồn biển thuộc quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 
 
TP.HCM:[-]Đề[-]xuất[-]thành[-]lập[-]Khu[-]bảo[-]tồn[-]biển[-]Cần[-]Giờ
 
 
 Ảnh: TL
 
Văn bản số 549/SNN-CCTS ngày 7.4 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM gửi Tổng cục Thủy sản cho biết: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc huyện Cần Giờ, có tổng diện tích trên 75.000 ha, được xem là một trong những khu rừng ngập mặn ven biển lớn nhất cả nước. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
 
Phía ngoài Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có đảo Thạnh An, thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là hòn đảo nhỏ nằm cách TP.HCM khoảng 70 km về phía đông, nếu tính từ trung tâm huyện Cần Giờ thì đảo cách khoảng 8 km theo đường thẳng và nằm biệt lập với huyện Cần Giờ.
 
Xã Thạnh An có ba ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Trong đó, ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình nằm trên đảo Thạnh An, ấp Thiềng Liềng nằm trên đảo Thiềng Liềng riêng biệt. Đây là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, thuận lợi cho việc phát triển các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng.
 
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Dũng (năm 2012) đã xác định được 129 loài thuộc 12 bộ, trong các loài cá đã được xác định trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, có 5 loài cá đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam 2007 là: cá Cháo Biển (Elops saurus), cá Cháo Lớn (Megalops cyprinoids), cá Mang Rổ (Toxotes chatacus), cá Măng Sữa (Chanos chanos), cá Mòi Đường (Albula vulpes).
 
Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có 178 loài cá, thuộc 111 giống, 56 họ, 19 bộ. Trong đó, có 13 loài cá nuôi làm thực phẩm (chiến 7,30%); 16 loài cá nuôi làm cảnh (chiếm 8,99%); 3 loài có giá trị làm thuốc (chiếm 1,69%); 9 loài trong Sách Đỏ Việt Nam thuộc 8 giống, 7 họ và 5 bộ trong Sách Đỏ Việt Nam ở mức phân hạng sẽ nguy cấp, chiếm 5,06% tổng số loài cá ở rừng ngập mặn Cần Giờ.
 
Đến năm 2015, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được xác định có 282 loài cá, thuộc 180 giống, 83 họ và 24 bộ. Trong đó, có 32 loài cá kinh tế; 18 loài cá nuôi làm cảnh; 9 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Bổ sung cho các công trình nghiên cứu trước đây 67 loài, 44 giống, 21 họ và 4 bộ. Có 62,57% tổng số loài cá ở Cần Giờ có độ thường gặp ít, rất ít và không gặp; chỉ có trên 37,42% số loài có độ thường gặp rất nhiều và nhiều; 3 loài (chiếm 1,06%) đang bị giảm sút mạnh, cần được bảo vệ là cá Cháo Lớn (Megalops cyprinoids), cá Mang Rổ (Toxotes chatacus), cá Nhồng Vằn (Sphyraenajello).
 
Theo nghiên cứu của PGS-TS. Tống Xuân Tám và các cộng tác viên (năm 2015); TS. Huỳnh Minh Sang (năm 2018), Cần Giờ có một số loài cần được bảo tồn như: cá Chìa Vôi (Proteracanthus sarissophorus) và cá Kẽm Mép Vảy Đen (Plectorhinchus gibbosus). Cá Kẽm Mép Vảy Đen là loài thuộc phụ lục danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu của Nghị định số 26/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
 
Vì vậy, vùng cửa sông ven biển Cần Giờ bao gồm cả rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò quan trọng không chỉ có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, giá trị khoa học, bảo tồn nguồn gen (trong Sách Đỏ Việt Nam) mà còn có hệ sinh thái thủy vực, hệ sinh thái rừng ngập mặn vô cùng quan trọng.
 
Căn cứ các cơ sở pháp lý, thực trạng tài nguyên biển Cần Giờ và tổng quan tài liệu có liên quan về tài nguyên biển trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét đưa Khu bảo tồn biển Cần Giờ vào danh mục các khu bảo tồn biển thuộc quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, ven biển theo đúng chủ trương, mục tiêu mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.
 
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng cho biết, trước đó, tại Thông báo số 642/TB-BNN-VP ngày 28.1.2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có yêu cầu: “điều tra bổ sung khu vực biển tiềm năng (các hệ sinh thái biển) để thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung Quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái”.

(NĐT)

Lượt xem : 1140