Hôm 3-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố bản dự thảo cuối cùng của một kế hoạch mà ông gọi là “bước tiến quan trọng nhất và lớn nhất” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo AFP, Nhà Trắng đưa ra phiên bản cuối cùng của kế hoạch năng lượng sạch, một bộ các quy định và quy tắc nhằm vào vấn đề ô nhiễm từ các nhà máy điện hiện tại của nước này, lần đầu tiên đặt ra giới hạn cho lượng phát thải khí carbon của các nhà máy điện.
Theo đó, vào năm 2030 các nhà máy sẽ phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 2005. Theo Reuters, quy định này được nói là sẽ khuyến khích sự chuyển đổi mạnh mẽ từ than đá sang năng lượng tái tạo được, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời.
Đưa ra viễn cảnh biến đổi khí hậu sẽ đe dọa nền kinh tế, sức khỏe và an ninh của Mỹ, ông Obama giải thích: “Các nhà máy điện là nguồn gây ra lớn nhất, góp phần vào biến đổi khí hậu. Nhưng đến nay chưa có giới hạn nào được đưa ra đối với lượng khí ô nhiễm mà các nhà máy này có thể thải vào không khí”. Theo AFP, các nhà máy điện chiếm đến 40% phát thải CO2 ở Mỹ.
Ông Obama nói thêm nếu không áp đặt các giới hạn, các nhà máy điện hiện tại sẽ tiếp tục thải lượng khí carbon không giới hạn vào không khí hằng tuần.
“Vì con cháu chúng ta, vì sức khỏe và an toàn của tất cả người Mỹ, điều này đã đến lúc phải thay đổi” - ông nói. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng trấn an rằng kế hoạch về môi trường này dẫn đến việc hóa đơn tiền điện sẽ giảm đi và tạo thêm công ăn việc làm trong ngành năng lượng tái tạo được.
Tuy nhiên, theo AFP, kế hoạch giảm 32% lượng khí phát thải đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ Đảng Cộng hòa, những người miêu tả các biện pháp trong kế hoạch là xa vời, độc đoán và sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.
Việc cắt giảm phát thải ô nhiễm được coi là nhạy cảm về mặt chính trị bởi khai thác than vẫn là ngành công nghiệp lớn ở Mỹ.
Ngay cả khi khí thiên nhiên đang trở nên phổ biến hơn, hàng trăm nhà máy chạy than trải khắp đất nước vẫn cung cấp khoảng 37% nguồn điện cho nước Mỹ, đứng trên khí thiên nhiên và năng lượng hạt nhân.