Mặc dù, Đề án "Bảo vệ phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020” đã đi hơn nửa chặng đường nhưng kết quả trồng rừng ven biển mới đạt 22,2% kế hoạch. Hiện, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương cần ưu tiên triển khai trồng rừng ven biển ngay từ đầu năm 2018 khi điều kiện thời vụ thuận lợi.
Theo Quyết định số 120/QĐ-TTg 22/1/2015 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án, trong 5 năm, các địa phương phải bảo vệ diện tích rừng ven biển và trồng phục hồi 9.602ha, trồng mới 46.058ha và trồng 23,5 triệu cây phân tán. Qua đó, nâng tổng diện tích rừng trồng ven biển đến năm 2020 đạt 356.753 ha, nâng độ che phủ rừng ven biển từ 16,9% năm 2014 lên 19,5% vào năm 2020. Tuy vậy, kết quả đánh giá 3 năm cho thấy, nhiều khả năng Đề án sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu.
Nhìn nhận những hạn chế và thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển thời gian qua, ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều dự án chậm triển khai thực hiện do thiếu vốn; một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác vẫn xảy ra ở một số nơi; số liệu thống kê, báo cáo về hiện trạng diện tích, diễn biến rừng ven biển của các địa phương còn bất cập, chưa chính xác và thiếu thống nhất...
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương cần ưu tiên triển khai trồng rừng ven biển ngay từ đầu năm 2018. Ảnh: MH
Qua phản ánh của các địa phương, hầu hết diện tích trồng mới sử dụng nguồn vốn của Nhà nước và từ dự án phi Chính phủ. Tại Nghệ An, khó khăn nhất là diện tích rừng ven biển trên địa bàn còn manh mún, cách xa nhau, chưa quy hoạch được thành một vùng rừng phòng hộ có quy mô lớn khoảng vài chục ha. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ trồng rừng phòng hộ của Nhà nước là 30 triệu đồng/ha chưa đủ sức thu hút người dân tham gia phát triển rừng ven biển. Qua thực tế triển khai các dự án trồng rừng, các loại cây ngập mặn ven biển có tỷ lệ sống thấp, thường xuyên bị gãy đổ trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt nên cần chi phí lớn để xây dựng hàng rào bảo vệ, đầu tư kĩ thuật chăm sóc đặc biệt.
Tại Hà Tĩnh, theo một số thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh và Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển còn sống chỉ khoảng 55 - 60%. Một số khu vực trước đây có diện tích rừng khá lớn, nay đã suy giảm hoặc không còn nữa. Điển hình là sự mất đi gần 390 ha rừng ngập mặn ở TP. Hà Tĩnh, hơn 350 ha ở huyện Thạch Hà, gần 340 ha ở huyện Kỳ Anh và gần 270 ha ở huyện Nghi Xuân. Phần lớn diện tích đất rừng ngập mặn đã bị thay thế bởi các loại hình sử dụng đất khác, như: Nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng dân cư, đê điều... nên gây khó khăn, chồng chéo trong quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, thiên tai hằng năm cũng hủy hoại một phần diện tích rừng.
Quản lý chặt chẽ sử dụng rừng ven biển
Nhìn chung tình hình triển khai đề án đến hết năm 2017, ông Lực cho biết, các Bộ ngành, điểm sáng là địa phương đã phối hợp triển khai nhiều dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển, cũng như nghiên cứu, xây dựng ban hành kịp thời các chính sách và hướng dẫn kỹ thuật liên quan. Các bên đã nỗ lực huy động được nhiều nguồn kinh phí triển khai đề án, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Qua đó, tăng diện tích và chất lượng rừng ven biển Việt Nam, dù kết quả trồng rừng còn thấp. Những “bức tường xanh” đóng vai trò rất lớn trong bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lở.
Thông qua công tác phát triển rừng ngập mặn, các địa phương cũng lồng ghép mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái bền vững, kết hợp đầu tư hạ tầng dịch vụ thăm quan, du lịch tạo sinh kế cho người dân. Điển hình ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), có 40 nhóm hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 20 ha.
Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương phải coi việc quản lý, bảo vệ rừng ven biển là nhiệm vụ đặc biệt ưu tiên trong kế hoạch hành động các năm tới. Những vấn đề cần tập trung là kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích để sản xuất kinh doanh. Phải bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án trồng mới, nâng cao diện tích và chất lượng rừng ven biển để bảo vệ đất, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiện toàn các ban quản lý rừng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng để quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ven biển.
Sở NN&PTNT các địa phương ven biển có trách nhiệm đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh rà soát toàn bộ các dự án trồng rừng ven biển. Đối với các dự án đã có Quyết định phê duyệt, cần rà soát, bố trí đất để trồng rừng và có biện pháp bảo vệ chăm sóc rừng trồng, không để xâm canh, lấn chiếm, phá rừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, diện tích, chất lượng rừng ven biển. Trường hợp hiện trường trồng rừng gặp khó khăn có thể điều chỉnh chuyển sang vị trí khác thích hợp nhưng không điều chỉnh giảm khối lượng đầu tư lâm sinh của dự án đã được phê duyệt.
Khánh Ly