>>>Sẽ họp với người dân Đường Lâm để giải quyết kịp thời các kiến nghị
Phản hồi 2 chiều
7 giờ 30 ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, thị xã Sơn Tây và nhiều nhà khoa học đã có mặt tại làng cổ Đường Lâm trực tiếp khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp của các di tích, từng ngôi nhà cổ, ghi nhận những gia đình bảo tồn thành công, lắng nghe bức xúc của nhân dân thôn Mông Phụ.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm làng cổ Đường Lâm. Ảnh Thanh Hải
Đoàn công tác đã thị sát, xem xét ngôi nhà 7 gian đặc trưng của gia đình ông Hà Hữu Thể, đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 800 triệu đồng bảo tồn. Và ngôi nhà cổ xếp hạng cấp TP của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, con đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Văn ở thôn Mông Phụ. Gia đình nhà ông Hùng, ông Thể là một trong những gia đình tiêu biểu ở Đường Lâm vừa biết cách bảo tồn di tích, giữ lại cảnh quan của ngôi nhà cổ, vừa biết cách tạo ra những sản phẩm bán cho khách du lịch như: Rượu, tương, chè lam...
Tiếp đó, đoàn khảo sát đã đánh giá thực trạng xuống cấp của các di tích đình Mông Phụ, đình Cam Thịnh... lắng nghe bà Giang Tú Oanh, đại diện cho 78 hộ dân bày tỏ về cuộc sống chật chội ở các ngôi nhà, nỗi khổ của gia đình có công trình bị tháo dỡ, sự quá tải của các công trình dân sinh... Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các thành viên trong đoàn ghi nhận và chia sẻ với những bức xúc của người dân. Chính vì vậy, sau 2 giờ khảo sát thực địa và 4 giờ bàn bạc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã thay mặt các cơ quan quản lý nhận lỗi với nhân dân Đường Lâm về một số công việc bị giải quyết chậm trễ, dẫn đến những vướng mắc của ngôi làng di sản ngày nay.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm gia đình ông Hà Hữu Thể , chủ nhân ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm. Ảnh Thanh Hải
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội cho rằng: "Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam. Trên thế giới cũng mới chỉ có 5 ngôi làng cổ được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, danh hiệu di sản cấp quốc gia là niềm tự hào không chỉ của người dân Đường Lâm, hay Hà Nội mà của cả nước. Khi công nhận danh hiệu di sản cấp quốc gia, ai cũng mong muốn làng cổ sẽ tốt lên. Vì vậy, trong hồ sơ công nhận không chỉ có sự đồng tình của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn có chữ ký đồng thuận của bà con Đường Lâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có cái làm được và chưa được, nên bây giờ chúng ta phải bàn bạc tìm cách tháo gỡ".
Ưu tiên giải quyết 2 điểm nóng
Để bảo vệ làng cổ Đường Lâm, từ nay cho đến 2015, UBND thị xã Sơn Tây đề xuất TP Hà Nội đầu tư 503 tỷ đồng để tu bổ, hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Ngô Văn Quý, đây là đề xuất khó khả thi. Mặc dù Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh phí trùng tu tôn tạo, bảo tồn di tích, song "hiện nay Hà Nội có hơn 5.000 di tích, trong đó có 2.500 di tích được xếp hạng, cần quan tâm đặc biệt. Chính vì vậy, mặc dù Đường Lâm được ưu tiên nhưng chính quyền cấp cơ sở cần có biện pháp tính toán hợp lý, cái gì là cấp bách" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Do đó, công việc trước mắt dự kiến phải hoàn thành trong tháng 6/2013 là phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, sau đó khẩn trương phê duyệt các dự án thành phần. Trong đó có dự án hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà, di tích xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng và dự án giãn dân. Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cùng với các đơn vị liên quan đã thống nhất lựa chọn 4 địa điểm: Quy hoạch khu giãn dân, xây dựng trụ sở làm việc Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đường Lâm, xây dựng trường mầm non, trạm y tế trên cơ sở quy hoạch chung, hoàn thiện đồ án trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Thanh Hải
Đối với những ngôi nhà không thuộc đối tượng di tích đặc biệt hay di tích loại 1, Hà Nội sẽ sớm có thỏa thuận với Bộ VHTT&DL xây dựng quy chế tạo thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, thống nhất mô hình, kiểu dáng. Ngoài ra, chuyển hướng cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, đề xuất cơ cấu lại Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, cơ chế tài chính đặc thù để bảo tồn phát huy giá trị di sản... cũng được đề cập và đưa ra phương hướng giải quyết. Những người dân có mặt trong hội nghị hôm qua và cả chính quyền cấp cơ sở đều thống nhất cho rằng, nếu những giải pháp này được thực hiện, sẽ là "chìa khóa" tháo gỡ gần hết vướng mắc ở làng cổ Đường Lâm.
Không chạy theo danh hiệu
Hiện nay, UBND thị xã Sơn Tây, Sở VHTT&DL Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận Đường Lâm là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Các nhà khoa học như GS.TS Lưu Trần Tiêu, GS.TS Trần Đức Cường, PGS. TS Lưu Minh Trị... đều cho rằng, với những giá trị hiện có, Đường Lâm hoàn toàn có cơ sở được Bộ VHTT&DL cùng UNESCO công nhận. Song, theo quan điểm của các nhà quản lý Hà Nội, danh hiệu là điều đáng quý nhưng vấn đề trước mắt của di sản Đường Lâm là chống xuống cấp và bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản. "Chúng ta cố chạy theo danh hiệu mà không giữ được làng cổ thì thật đáng trách. Cấp công nhận càng cao, chế tài càng nghiêm ngặt, yêu cầu càng lớn. Tất cả các công việc cần làm phải trên cơ sở tháo gỡ những vướng mắc đã bàn và được sự đồng thuận của người dân" - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Cổng làng cổ Đường Lâm. Ảnh Văn Phúc.
PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: "Làng cổ Đường Lâm là một di sản đặc biệt, các nước sở hữu nhiều di sản nhìn vào Đường Lâm cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ về giá trị văn hóa mà cha ông chúng ta để lại. Những vướng mắc của Đường Lâm đang gặp phải giống như các vướng mắc của các nước có làng cổ và được công nhận. Ở trong nước, Hội An (Quảng Nam), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) cũng từng phải tháo gỡ những khó khăn tương tự. Nhưng, thế giới và trong nước đều có những bài học giải quyết thành công. Nên tôi tin chúng ta sẽ giải quyết được những khó khăn của di sản Đường Lâm hiện nay, để vài chục năm nữa, ngôi làng cổ này sẽ là viên ngọc di sản sáng giá của Việt Nam".
"Phản ứng của một số người dân ở Đường Lâm phản ánh sự không bằng lòng của họ với công tác quản lý của các cơ quan hữu quan ở đó. Chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, xem xét sự việc dưới nhiều góc độ, để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần xem xét để có được chính sách, giải pháp phù hợp nhất để quản lý tốt hơn và vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân. Nói cách khác, phải hài hòa được giữa bảo tồn di sản văn hóa với phục vụ yêu cầu phát triển, giữa quản lý với quyền lợi của nhân dân".
Ông Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
|