Tiêu chuẩn EITI 2016: Tăng cường minh bạch, cải thiện quản lý
4/10/2016 5:29:00 AM
Bộ Tiêu chuẩn Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) 2016 vừa được Ủy ban EITI Quốc tế công bố vào cuối tháng 2 vừa qua.
Với các yêu cầu công khai hơn về người chủ hưởng lợi thực sự và minh bạch hơn trong hệ thống báo cáo của chính phủ và các công ty, Bộ Tiêu chuẩn EITI 2016 được đánh giá là sẽ giúp quá trình thực hiện EITI không chỉ đơn giản mà còn minh bạch và hiệu quả hơn.
Thêm điều khoản về minh bạch
Trong dài hạn, yêu cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng sẽ không chỉ giới hạn trong EITI mà trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách quản lý ngành của các chính phủ. Thay vì chỉ tìm kiếm sự minh bạch dựa trên các cơ chế báo cáo của EITI, các chính phủ đang thực hiện EITI có thể mở rộng phạm vi thu thập thông tin Tiêu chuẩn EITI yêu cầu thông qua các kênh thông tin sẵn có của chính phủ và các công ty như các hệ thống cơ sở dữ liệu mở, websites, báo cáo thường niên, các cổng thông tin điện tử…
Những kênh thông tin này có thể có sẵn trong các cơ chế báo cáo tại chỗ mà EITI có thể khai thác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống này không tồn tại, cần tạo mới hoặc chưa hoàn thành và đòi hỏi phải cải thiện. Trong bối cảnh này, Bộ Tiêu chuẩn EITI mới được chỉnh sửa để đưa ra hai khả năng cho việc công bố thông tin trong khuôn khổ EITI, bao gồm “báo cáo EITI thường kỳ” với những dữ liệu được thu thập và kết nối bởi một cơ quan quản trị độc lập và “báo cáo EITI lồng ghép” là nơi công khai thông tin theo tiêu chuẩn của EITI thông qua các hệ thống thông tin hiện có của các chính phủ.
Điều khoản mới về chủ sở hữu hưởng lợi
Năm 2013, Ủy Ban EITI đồng ý rằng EITI trong tương lai phải yêu cầu công bố thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Và Bộ Tiêu chuẩn EITI 2016 đã đưa ra các quy định mới về chủ sở hữu hưởng lợi ở mục 2.5. Theo đó, tới 01/01//2017, tất cả các quốc gia phải thống nhất một lộ trình phù hợp để thực hiện những yêu cầu về chủ sở hữu hưởng lợi. Và tới 01/01/2020, tất cả các quốc gia phải đảm bảo rằng tất cả các công ty phải công khai chủ sở hữu hưởng lợi thực sự trong Báo cáo EITI quốc gia. Thông tin này phải bao gồm chính xác chủ sở hữu hưởng lợi, mức độ sở hữu và chi tiết về mức độ kiểm soát và hưởng lợi của những chủ sở hữu này trong các doanh nghiệp khai khoáng.
Thủ tục phê chuẩn được cải thiện
Cơ chế phê chuẩn thành viên EITI đã hoạt động tương đối tốt, tuy nhiên, vẫn xuất hiện những lo ngại rằng quy trình này sẽ không còn phù hợp khi EITI tiếp tục mở rộng vể cả phạm vi và số lượng thành viên. Trước tình hình này, sau khi tham vấn rộng rãi các quốc gia đã vượt qua cơ chế phê chuẩn thử nghiệm gồm Ghana, Mông Cổ, Sao Tome e Principe, Solomon Islands và Timor-Lese, Ủy ban EITI đã thiết lập quy trình phê chuẩn mới.
Quy trình mới gồm một số thay đổi về yêu cầu thẩm định, trong đó áp dụng những đánh giá chi tiết hơn. Hậu quả của việc không tuân thủ các tiêu chuẩn và hạn mức thời gian cho việc tuân thủ cũng được sửa đổi; hệ thống khuyến khích và khen thưởng đang được thiết lập.
Cuối cùng, Ủy ban EITI quyết định rằng trong tương lai, Ban Thư ký quốc tế sẽ thực hiện thu thập các dữ liệu cho quá trình phê chuẩn thành viên. Các ứng viên đảm bảo đủ tiêu chuẩn sẽ được nộp báo cáo lên Ủy ban EITI. Giám sát thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo EITI
Giám sát thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo EITI
Bản chất của các khuyến nghị trong báo cáo EITI và mức độ thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng các bên liên quan ở cấp quốc gia (MGS) và chính phủ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả thực thi EITI. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít khuyến nghị trong các báo cáo EITI được triển khai. Việc các khuyến nghị không được thực hiện sẽ hạn chế cơ hội cải cách.
Để nâng cao hiệu quả thực thi của những khuyến nghị trong báo cáo EITI, Tiêu chuẩn EITI 2016 đã đưa ra các điều khoản yêu cầu MSG có ghi chép đầy đủ, tài liệu hóa mức độ thực hiện các khuyến nghị, đưa ra các lý do bác bỏ khuyến nghị của báo cáo nếu không áp dụng. Kế hoạch thực hiện những khuyến nghị cũng cần được nêu rõ trong kế hoạch hoạt động của MSG.
Chính sách cơ sở dữ liệu mở
Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu mở tạo nhiều cơ hội để gia tăng tính bền vững và hiệu quả thực hiện EITI. Thách thức là cần một cơ chế linh hoạt đủ để tất cả các quốc gia đều có thể phát triển giải pháp dữ liệu mở phù hợp với tính hình thực tế tại quốc gia đó. Tiêu chuẩn EITI 2013 cũng bao gồm một số yêu cầu về cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, để thúc đẩy cơ sở dữ liệu mở, các quy định này đã được củng cố hơn nữa nhằm yêu cầu MSG thống nhất một chính sách rõ ràng về tiếp cận, công bố và tái sử dụng dữ liệu EITI; khuyến khích các quốc gia tham gia EITI công khai các dữ liệu EITI dưới dạng dữ liệu mở và để người dùng nhận thức được rằng những thông tin được công bố có thể tái sử dụng mà không cần sự đồng ý trước. Quy định này đưa vấn đề liên quan tới dữ liệu mở vào chương trình hoạt động của MSG.
Ủy ban EITI cũng đồng ý về chính sách dữ liệu mở và đã thành lập một nhóm làm việc để phát triển chi tiết hơn nữa các tiêu chuẩn về dữ liệu mở.
Giảm bớt mập mờ
Một số chỉnh sửa nhỏ đã được thực hiện đối với các yêu cầu về phân bổ giấy phép, đăng ký giấy phép, sự tham gia của nhà nước, dữ liệu về xuất khẩu và sản xuất, tính hợp thời của dữ liệu, chất lượng dữ liệu, chi tiết các thanh toán bằng hiện vật và ngân sách chi tiêu. Những sửa đổi này nhằm giải quyết một số chi tiết còn thiếu nhất quán của Bộ Tiêu chuẩn EITI 2013 và không phát sinh bất kỳ yêu cầu mới nào.
Vấn đề quản trị MSG
Bộ Tiêu chuẩn EITI 2013 có một điều khoản chung về các quy tắc quản trị nội bộ và trách nhiệm pháp lý của MSG. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về công tác phí/phí quản lý. Vấn đề thu/chi của MSG được thực hiện dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử EITI đang áp dụng ở tất cả các văn phòng EITI: “Bất kỳ khoản công tác phí nào được chi trả, thanh toán hoặc thu được nên dựa trên các chi phí hợp lý thực tế và theo thông lệ quốc tế.” Ủy ban EITI nhận thấy một số thách thức liên quan đến các trường hợp chi trả công tác phí quá cao ở một số MSG. Do vậy, Bộ Tiêu chuẩn EITI 2016 được điều chỉnh bằng cách mặc dù không quy định bất kỳ một chính sách nào liên quan đến công tác phí, song bắt buộc tất cả các bên liên quan công khai chính sách công tác phí/phí quản lý của họ.
Cấu trúc lại các yêu cầu
Trong Bộ Tiêu chuẩn EITI 2013, 7 yêu cầu của EITI được sắp xếp theo cấu trúc của tiến trình tham gia EITI của một quốc gia. Để logic hơn, Bộ Tiêu chuẩn EITI 2016 điều chỉnh lại các yêu cầu công khai thông tin theo chuỗi giá trị của ngành công nghiệp khai thác. Điều này cũng đảm bảo tính nhất quán với khung đánh giá các yêu cầu trong quá trình chờ phê chuẩn và gia tăng cơ hội liên kết giữa EITI với các sáng kiến và cải cách khác.
Bích Ngọc (Theo eiti.org)/MT&ĐS
Lượt xem : 2499