Vietnamese English
Tiêu chí đo lường – yếu tố quan trọng để xây dựng mô hình tăng trưởng xanh

5/7/2021 7:00:00 AM

“Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho sự sinh tồn của nhân loại. Các Chính phủ theo đuổi các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cần phải đẩy mạnh đầu tư và đổi mới, tạo nền tảng cho tăng trưởng và tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Họ cũng cần các chỉ số có thể nâng cao nhận thức, đo lường tiến độ và xác định các cơ hội và rủi ro”.



Ảnh: Internet

“Tương lai chúng ta mong muốn” - văn kiện kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Phát triển Bền vững Rio+20 năm 2012 cũng công nhận vai trò quan trọng của các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược này “phải góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao hòa nhập xã hội, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người, đồng thời duy trì các hệ sinh thái lành mạnh trên trái đất”.

Có thể khẳng định, tăng trưởng xanh được xem là chiến lược quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm nghèo. Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB), Nền tảng Tri thức Tăng trưởng xanh của Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc - UNEP (GGKP) và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI)… đã nghiên cứu và đề xuất các bộ tiêu chí/chỉ số đo lường tăng trưởng xanh làm công cụ đo lường, đánh giá mức độ “xanh” cũng như cơ sở để đầu tư, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá tăng trưởng xanh cho nhiều quốc gia nhất phải kể đến bộ tiêu tiêu chí của OECD và bộ tiêu chí của GGGI. Trong bộ tiêu chí đánh giá của GGGI, có riêng một tiêu chí về “Du lịch và hoạt động giải trí tại các vùng duyên hải và biển”.

Theo báo cáo của OECD, đã có 28 quốc gia bao gồm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã dựa vào khung đo lường tăng trưởng xanh của OECD để phát triển bộ chỉ số của riêng họ. Các tổ chức quốc tế, bao gồm Cục thống kê Liên Hiệp quốc (UNSD) và những người tham gia Nền tảng kiến ​​thức tăng trưởng xanh thường xuyên dựa trên khung đo lường tăng trưởng xanh của OECD.

Tổng hợp báo cáo theo bộ chỉ số mới nhất năm 2017 cho thấy, các quốc gia thuộc OECD đã có sự tiến bộ đáng kể, nhiều nước đã có dấu hiệu tăng trưởng xanh. Cụ thể, phần lớn các quốc gia sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ môi trường có sẵn hiệu quả hơn, họ đã giảm thiểu ô nhiễm không khí và một số rủi ro đi kèm cho người dân. Nhiều quốc gia đã ổn định việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo (gỗ, thủy hải sản, nước ngọt) và đang tiến tới các thực hành quản lý bền vững hơn. Luxembourg, Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan giữ vị trí xếp hạng cao ổn định trong phần lớn các khía cạnh tăng trưởng xanh được lựa chọn. Các quốc gia như Đan Mạch, Estonia, Anh, Italia, Slovakia đạt được tiến bộ tổng thể hướng đến tăng trưởng xanh so với năm 2000 tốt nhất. Những nước dẫn đầu thay đổi tùy theo các chỉ số. Sự đa dạng này nhấn mạnh việc cần thiết phải đánh giá tiến độ hướng tới tăng trưởng xanh thông qua một bộ các chỉ số và xếp hạng trong bối cảnh tăng trưởng rộng hơn, chẳng hạn như GDP bình quân đầu người và bất bình đẳng thu nhập.

Năm 2019, GGGI hợp tác với OECD, UNEP công bố báo cáo Chỉ số tăng trưởng xanh 2019, đánh giá tình hình tăng trưởng xanh của 115 quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo này, không quốc gia nào trên thế giới đạt được các mục tiêu bền vững của của Chỉ số tăng trưởng xanh; chỉ 23 quốc gia đang có vị trí chiến lược để có thể hoàn toàn đạt được các mục tiêu này.

Tính theo khu vực, châu Âu là khu vực có mức độ tăng trưởng xanh cao nhất, trong đó Đan Mạch và Thuỵ Điển là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về tăng trưởng xanh; châu Mỹ và châu Đại Dương có chỉ số trung bình; châu Á có kết quả tăng trưởng xanh từ thấp đến trung bình và châu Phi có chỉ số từ rất thấp đến trung bình. Các quốc gia dẫn đầu trong khu vực châu Á là Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Sri Lanka. Việt Nam xếp loại tăng trưởng xanh thấp, đứng thứ 7/8 Đông Nam Á (không đánh giá Brunei và Lào) và 19/32 châu Á.

Nghiên cứu kinh nghiệm về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc cho thấy, ngay từ năm 2012, Hàn Quốc đã dựa trên bộ chỉ số của OECD để phát triển bộ chỉ số đo lường tăng trưởng xanh của mình trong lĩnh vực chính sách. Những cải thiện về chính sách và những hành động cụ thể, trong đó các dự án thành công như dự án “Bốn dòng sông”, dự án “Gangneung - Thí điểm thành phố xanh carbon thấp”, dự án “Chuyển đổi xanh thành phố Suncheon”… đã đưa Hàn Quốc trở thành điểm sáng về tăng trưởng xanh của châu Á.

Mô hình tăng trưởng xanh được hình thành từ các chiến lược toàn cầu nhằm mục đích thúc đẩy một nền kinh tế ổn định, carbon thấp, sử dụng năng lượng hiệu quả và hòa nhập xã hội hơn. Những cơ hội và thách thức đến từ quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng bao trùm này sẽ thay đổi mọi khía cạnh của ngành Du lịch trên quy mô toàn thế giới, dẫn đến sự chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị của ngành Du lịch cũng như tác động đến cộng đồng địa phương tại điểm đến. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), phát triển du lịch trong bối cảnh kinh tế xanh có sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí về năng lượng, nước, hệ thống xử lý chất thải, góp phần nâng cao giá trị của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và di sản văn hóa, đồng thời có tiềm năng tạo những việc làm xanh mới. Liên Hiệp quốc và các chính phủ khu vực, quốc gia cũng công nhận du lịch là yếu tố tạo việc làm tăng trưởng xanh đặc biệt. Chính vì vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đã đưa ra quan điểm, du lịch - bao gồm toàn bộ khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng và chuỗi giá trị du lịch - có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang hướng tăng trưởng xanh. Thách thức đặt ra ở đây là cần chuyển đổi từ việc công nhận vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh của du lịch thành các chính sách và hành động cụ thể, ý nghĩa, có khả năng liên kết với toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.


Phong cảnh hang Múa, Ninh Bình. Ảnh: Thế Phi

Tuy vấn đề tăng trưởng xanh đã được thảo luận nhiều hơn trong những năm gần đây, thực tế còn rất ít các mô hình tăng trưởng xanh trong ngành Du lịch được áp dụng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, việc thiếu các nhóm tiêu chí đo lường mức độ tăng trưởng xanh của các hợp phần trong chuỗi giá trị du lịch phù hợp với các loại mô hình phát triển du lịch là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Là ngành kinh tế có tính liên ngành và xã hội hóa cao, mức độ tăng trưởng xanh của du lịch phụ thuộc khá nhiều vào mức độ tăng trưởng xanh của các ngành, các lĩnh vực và của địa phương có hoạt động du lịch diễn ra. Vì vậy, khi các ngành, các lĩnh vực có ảnh hưởng đến mô hình phát triển du lịch chưa có tiêu chí đo lường mức độ tăng trưởng xanh thì khó có thể có được các kế hoạch phát triển nói chung, kế hoạch đầu tư nói riêng phù hợp nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Điều này đồng nghĩa với việc mô hình du lịch đó khó có thể đạt mức độ tăng trưởng xanh cao. 

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm theo đuổi “Tăng trưởng xanh” với mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững thông qua “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020”. Từ chiến lược và kế hoạch này, các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước đã ban hành và triển khai kế hoạch, chương trình hành động của ngành, của địa phương. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chiến lược, đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp để đo lường tăng trưởng xanh nói chung, tăng trưởng xanh các ngành, trong đó có ngành Du lịch nói riêng. Điều này khiến cho các địa phương, các bộ ngành lúng túng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.

Dự thảo Danh mục Chỉ tiêu tăng trưởng xanh quốc gia của Việt Nam đang được Tổng cục Thống kê triển khai xây dựng với 3 mục: (1) Thiết lập một hệ thống chỉ tiêu thống kê chung nhằm mô tả, phản ánh và đánh giá mức độ “xanh hóa” trong các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường của Việt Nam; (2) Cung cấp công cụ để giám sát, quản lý và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh của Việt Nam; (3) Đảm bảo tính so sánh và lồng ghép với các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh của quốc tế. Danh mục chỉ tiêu này sẽ hoàn thiện và đưa vào áp dụng, được kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích cho các bộ, các ngành và các địa phương xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh./. 

 

TS. Phạm Lê Thảo và ThS. Phạm Tố Linh

(Moitruongdulich.vn)

Lượt xem : 2046