Theo Đề án, Khu rừng đặc dụng với diện tích đất có rừng là gần 98ha với các phân khu: bảo vệ nghiêm ngặt (32,8%), phục hồi sinh thái (59,3%), khu tham quan du lịch (7,9%). Đề án gồm các chương trình hoạt động cụ thể, như: Bảo vệ rừng và bảo tồn với việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị trên đảo bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Bên cạnh đó là các chương trình phục hồi sinh thái rừng với các hoạt động xây dựng vườn ươm và trồng rồng; chương trình nghiên cứu khoa học; tuyên truyền giáo dục, tham quan, du lịch sinh thái và chương trình phát triển xã hội. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 hơn 9,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị đang triển khai kế hoạch tiến tới thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Minh Duy
UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá, bổ sung các nội dung liên quan trên cơ sở tham khảo các quy định về Luật Quy hoạch 2017, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học để làm cơ sở pháp lý đúng quy định. Đồng thời, lấy ý kiến của các đơn liên quan nhằm làm rõ nội dung về giải pháp, thực trạng, ranh giới, hiệu quả môi trường, lâm sinh, khoa học công nghệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh các loài động vật, thực vật bản địa; các giải pháp làm giàu từ rừng, phát triển du lịch... để đề án đủ sức thuyết phục, phát huy hiệu quả đầu tư, có điểm nhấn trình hội đồng thẩm định xem xét.
Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu thuộc vùng biển Quảng Trị, có nguồn gốc từ núi lửa bazan, dạng đồi đẳng thước rộng 2,3 km2, cao 63m, nằm cách xa bờ 24 km. Các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất; diện tích, độ cao và cảnh quan sinh thái; động lực và tính ổn định… đã tạo ra giá trị lớn cho đảo về tài nguyên địa – tự nhiên và môi trường sinh cư thuận lợi cho các loài sinh vật và con người.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 45/QĐ-TTg năm 2014 về quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến 2020, định hướng đến 2030, khu bảo tồn biển Cồn Cỏ có diện tích 4.000 ha. Thảm rừng trên đảo xanh tốt, đa dạng sinh học biển ở đây khá cao và mức độ bảo tồn còn khá tốt.
Các hệ sinh thái (HST) vùng triều có tổng số 307 loài: Thực vật phù du 160, rong biển 40, động vật phù du 54, động vật đáy 53 loài. Các HST dưới triều có tổng số 1.068 loài, gồm: thực vật phù du 219, rong biển 71, động vật phù 134, động vật đáy 173, san hô cứng 150, san hô mềm 31, cá biển 200; cá san hô 90 loài.
Rừng nguyên sinh tại đảo Cồn Cỏ chứa đựng hệ sinh thái đa dạng cần được bảo vệ. Ảnh: Nguyễn Mỹ
Vùng biển quanh đảo là một ngư trường thuận lợi, rộng lớn khoảng 9.000 km2 với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Có tới hơn 1.000 loài sinh vật biển sống trong 4 – 5 hệ sinh thái biển ven đảo, trong đó có nhiều loài quý hiếm như rùa biển, vú nàng, tôm hùm, trai ngọc, cua đá,… Trong 267 loài cá biển, có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng các loại động vật đáy cỡ lớn ven đảo gồm trai, ốc, tôm, cua, hải sâm,… khoảng 2.670 tấn. Sản lượng khai thác mực đạt 356,8 tấn/năm và tôm hùm đạt 4,8 tấn/năm.
Với những giá trị tài nguyên trên, UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, việc thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ trong thời gian tới còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái. UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, việc thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ là cần thiết nhằm góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng cũng như phù hợp với các yếu tố về quốc phòng an ninh trên đảo.
Minh Thanh