Tiền không cứu được lá phổi...
10/1/2009 2:18:00 PM
(TBKTSG) - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa được Thủ tướng chỉ đạo khai thác thử nghiệm mỏ than ở đồng bằng sông Hồng. Dự kiến đến mùa khô năm 2010, quá trình khai thác thử nghiệm sẽ bắt đầu và nếu thành công, sẽ tiến hành trình Quốc hội xem xét và quyết định.
|
Người dân sống dọc đường qua quốc lộ 18, đoạn từ mỏ than Mạo Khê đến khu vực cụm cảng Kim Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh phải khổ sở với bụi than dày đặc. (Ảnh: halongvip.com). |
Theo Đề án Phát triển bể than đồng bằng sông Hồng, trữ lượng than vùng này vào khoảng 210 tỉ tấn, gấp 20 lần lượng than ở Quảng Ninh, trong đó có tới 90% nằm ở tỉnh Thái Bình. Mặc dù TKV đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để khẳng định việc khai thác than không ảnh hưởng đến môi trường sống, tuy nhiên, thực tế lại đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước và có mật độ dân số cao, khoảng 1.127 người/ki lô mét vuông, cao gấp năm lần mật độ dân số trung bình cả nước. Vì mật độ dân số cao, vùng này đang phải đối mặt với bài toán ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, nếu tiến hành khai thác than, chất lượng môi trường sống ở đây sẽ tiếp tục diễn biến ra sao?
Lấy ví dụ mỏ than Mạo Khê, huyện Đông Triều, thuộc vùng mỏ Quảng Ninh, có thể thấy sự nghiêm trọng của vấn nạn ô nhiễm môi trường. Tất cả các con đường, nhà cửa, cây cối ở đây đều nhuốm một màu than, đen thui. Cả ban ngày lẫn ban đêm nhà nhà đều phải đóng kín cửa.
Mặc dù ngành than đã có nhiều cố gắng áp dụng công nghệ mới, nhưng môi trường ở khu vực khai thác than vẫn bị ô nhiễm cao gấp 5-20 lần so với tiêu chuẩn cho phép, tỷ lệ dân cư trong khu vực bị các bệnh bệnh hô hấp vào loại cao nhất nước.
Ở khu vực ít dân cư như vùng than Quảng Ninh, nạn ô nhiễm môi trường còn thế thì nếu tiến hành khai thác ở đồng bằng sông Hồng, môi trường sống rồi sẽ ra sao?
Còn nếu xét về môi trường cho sản xuất nông nghiệp, một số nhà khoa học đã lên tiếng quan ngại về việc sụt lún, biến vựa lúa đồng bằng sông Hồng thành hồ chứa nước nhiễm mặn nếu tiến hành khai thác than. Đặc biệt, khả năng sụt lún sẽ không diễn ra ngay mà mỗi ngày một ít rồi một ngày nào đó, cả vùng đồng bằng rộng lớn sẽ chìm trong tình trạng chua mặn!
Khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà đánh đổi môi trường sống của cả một vùng rộng lớn. Chúng ta cũng không thể chấp nhận việc khai thác tài nguyên thiếu chọn lọc để rồi sau này thế hệ con cháu phải trả giá vì vấn nạn môi trường, tài nguyên cạn kiệt. Theo tôi, trong vấn đề khai thác bể than sông Hồng, các nhà khoa học cần vào cuộc với những nghiên cứu thấu đáo, cụ thể trước khi nghĩ đến chuyện khai thác để tránh phải trả giá quá đắt về sau.
Nguồn: TBKTSG, 25/9/2009
Lượt xem : 2005