Đây là nguyên tắc đầu tiên được đề cập trong nghiên cứu về vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi phá rừng gây ra của TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Khoa Luật - Đại học Kinh tế Quốc dân)1.
Theo TS Thủy, do mỗi loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) có giá trị khác nhau nên khoản tiền bồi thường thiệt hại do hành vi phá rừng cũng khác nhau. Thiệt hại đó bao gồm giá trị về lâm sản và giá trị về môi trường của rừng bị thiệt hại.
Xét về nguyên tắc, những khu rừng cùng loại, cùng chức năng, tương đương về vị trí khu rừng, có trạng thái, trữ lượng, chất lượng lâm sản như nhau thì sẽ có cùng mức giá thiệt hại. Tuy nhiên, căn cứ xác định giá thiệt hại các loại rừng còn phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch, chế độ quản lý và sử dụng của từng loại rừng; tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước ban hành tại thời điểm định giá rừng.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới các yếu tố khác như: Chi phí về các khoản tiền bỏ ra để chuyển nhượng quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng (về phía người thuê, chủ rừng), giá cho thuê quyền sử dụng rừng thực tế trên thị trường (về phía Nhà nước); Chi phí cho rừng đã bị chặt, phá, cháy, bị huỷ hoại; Chi phí thu dọn, ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc khắc phục thiệt hại; Chi phí lợi ích từ các khoản thu nhập thuần tuý của rừng đáng nhẽ thu được nhưng do hành vi phá rừng mà khoản thu này bị bỏ lỡ; Chi phí về môi trường…
Về thẩm quyền xác định bồi thường, TS. Thủy cho rằng, thiệt hại xảy ra trên địa bàn nào, thuộc địa phương nào sẽ do cơ quan Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương đó giải quyết, xác định mức bồi thường thiệt hại, cụ thể là do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Kiểm lâm của địa phương đó. Nếu các cá nhân, tổ chức khác phát hiện hành vi vi phạm gây thiệt hại trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng thì thông báo, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để cơ quan Kiểm lâm giải quyết, hoặc cơ quan Kiểm lâm tham mưu cho cấp chính quyền ở địa phương đó giải quyết.
Theo đó, cơ quan kiểm lâm trên địa bàn cấp xã phải xác định chính xác nguyên nhân gây thiệt hại cho rừng; số diện tích rừng bị thiệt hại do hành vi phá hoại rừng; chủng loại cây bị thiệt hại; độ tuổi của rừng bị phá hoại; loại rừng bị phá hoại. Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan kiểm lâm căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính toán chính xác mức bồi thường của người có hành vi phá rừng, sao cho có thể trồng lại rừng loại đó.
Riêng đối với các trường hợp tái phạm hành vi phá rừng thì ngoài việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người gây hại còn phải chịu một trong các hình phạt như: xử phạt vi phạm hành chính tương ứng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm gây thiệt hại thì mỗi người vi phạm phải chịu trách nhiệm về phần thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp một số người trong cùng gia đình hoặc cùng một tổ chức gây ra thiệt hại chung đối với rừng thì chủ gia đình, tổ chức phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chung do họ gây ra.
Tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng là số tiền mà người có hành vi vi phạm gây thiệt hại về rừng phải bồi thường cho Nhà nước, cho chủ rừng, bao gồm giá trị về lâm sản và giá trị về môi trường của rừng bị thiệt hại… Những hành vi được coi là hành vi phá rừng bao gồm: Xả rác, chất thải bừa bãi làm ô nhiễm rừng; Chặt, phá rừng, khai thác củi trái phép; Làm cháy rừng, huỷ hoại tài nguyên rừng; Mang vào rừng súc vật kéo, dụng cụ thủ công, dụng cụ cơ giới để khai thác lâm sản, phá hoại lớp cây con mới lớn; Phá hoại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái của khu rừng đặc dụng; Phá hoại các biển báo,bảng hướng dẫn, bảng tên cây của khu rừng đặc dụng; Chăn thả gia súc trong khu rừng đặc dụng, rừng mới trồng, rừng non; Phá hoại các công trình phục vụ bảo vệ và phát triển rừng. |
1 Bài viết đầy đủ được đăng trên Tạp chí Kinh Tế và Phát triển, tháng 1/2008