Vietnamese English
Tiềm năng tái chế rác thải tại Việt Nam

6/27/2015 5:36:00 AM

Tái chế, tái sử dụng các nguồn rác thải là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

 

 


 

Với quan niệm xưa cũ cho rằng rác thải là thứ không có giá trị, phải loại bỏ cho nên nguồn tài nguyên này vẫn bị coi là gánh nặng của xã hội. Rác thải lâu nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chiếm dụng nhiều diện tích cho việc xây dựng bãi chôn lấp mà hiệu quả lại không cao. 


Các nguồn nguyên liệu có thể tái chế gồm chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại … bị chôn vùi trong đất mà hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Còn đem đốt lại thải khói độc ra môi trường. Nhiều bãi rác theo công nghệ cũ đã và đang gây ô nhiêm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. 

Ngay như ở nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam, thì rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được, tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 17 triệu tấn một năm, trong đó vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn một năm. 

Với thành phẩn chủ yếu là chất hữu cơ (chiếm 50-70%), rác thải sinh hoạt chính là nguồn nguyên liệu sản xuất phân vi sinh thân thiện với môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

Rác thải còn được tái chế thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp, thậm chí, còn là nguyên liệu để sản xuất ra điện năng phục vụ cho đời sống con người.

Mới đây có thông tin cho rằng TP HCM sẽ xây nhà máy đốt rác lấy điện đầu tiên ở Việt Nam với công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD. Nhà máy xây theo công nghệ của một tập đoàn Hàn Quốc, đơn vị này đầu tư 80% kinh phí, phần còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Đây là phương pháp nhằm dần thay thế hình thức xử lý rác bằng cách chôn lấp vốn tốn diện tích.

Một số quốc gia trên thế giới đã thành công lớn trong việc tận dụng rác thải là tài nguyên tái sinh. Quy trình khép kín hiện đại công nghiệp việc từ định hướng sử dụng, thu gom, phân loại, tái chế và cho ra các sản phẩm thân thiện môi trường, thậm chí xuất khẩu rác sang quốc gia khác để kiếm lời.

Một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải…

Chương trình xử lý chất thải rắn từ nay đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.Đặc biệt, Đề án xác định, đến năm 2015 có 60% và lên đến 95% vào năm 2020 lượng rác này phải được tái chế, tái sử dụng. 

Đây là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của Nhà nước trong công tác xử lý, tái chế rác thải. Tuy nhiên, để chương trình này thành công còn rất cần sự ủng hộ, cần sự thay đổi quan điểm sống xưa cũ của người dân về rác để rác không còn là thứ bỏ đi như dân ta vẫn nhầm tưởng.

 

Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 7502