Vietnamese English
Thủy điện phải góp phần kiểm soát lũ và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

11/19/2009 5:05:00 PM

(Vfej.vn)-Nhiều đại biểu quốc hội quan tâm, chất vấn việc phát triển thuỷ điện phải đi liền với quản lý vận hành hồ chứa để góp phần kiểm soát lũ lụt giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chỉnh phủ đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho các lưu vực sông khác còn lại trên địa bàn cả nước, trong đó có lưu vực các sông trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên; tổ chức kiểm tra việc xây dựng, ban hành quy trình và tổ chức vận hành các hồ chứa trên địa bàn cả nước.

 

 



Thủy điện xả lũ nhưng chưa tính đến chuyện góp nước nhấn chìm hạ lưu


Bước vào phần trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII sáng 19/11, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khơi tiếp vấn đề thủy điện miền Trung vốn đang nóng thời gian qua. Ông Minh cảm ơn vì Thủ tướng đã giải trình bù đắp phần trả lời trước đó của Bộ trưởng Công thương khi nói về vấn đề này. Như thủ tướng xác nhận, thực tế vừa qua có việc các nhà máy thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập của mình mà chưa tính đến chuyện góp nước nhấn chìm hạ lưu.


 

Ông Minh đề nghị rà soát lại quy hoạch các nhà máy thủy điện, chỉ đạo kiên quyết để các Bộ, ngành “phải ngồi lại với nhau bàn về việc điều hành hoạt động của các nhà máy”.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân trần, mỗi công trình thủy điện cho xây dựng đều phải đảm bảo phát điện, trữ nước, điều tiết lũ nhưng xảy ra việc như vừa qua là do biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ chưa lường hết được. Có những trạm quan trắc đặt ở vị trí cao, những trận lũ lịch sử vẫn chưa tới nhưng vừa qua cũng đã bị cuốn đi ngay khi lũ về.


 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tiếp tục truy vấn: “Dư luận, lãnh đạo các địa phương chịu thiệt hại, các nhà khoa học vừa qua đều khẳng định thủy điện có lỗi nhưng Bộ trưởng Công thương vẫn khăng khăng thủy điện vô tội. Tôi thấy rõ ràng, thủy điện A Vương (Quảng Nam) trước khi lũ không xả một mét khối nước nào trong khi mức nước hồ rất cao mà chỉ ồ ạt xả khi vũ về. Đáng ra họ hoàn toàn có thể chứa được lượng nước gấp đôi, giúp cắt lũ cho hạ lưu”. Ông Xuân gợi ý nên mở cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm trong việc này.


 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sau sự việc đã chỉ đạo rà soát gấp quy hoạch thủy điện vừa và lớn trên các hệ thống sông, căn cứ diễn biến phức tạp bão lũ vừa qua để xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Bộ trưởng Công thương đã chấp hành chỉ đạo, đang rà soát lại một cách nghiêm túc. Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường đánh giá lại quy trình vận hành của từng hồ nước, quy trình vận hành liên hồ chứa với những hệ thống thủy điện dạng bậc thang trên cùng một dòng sông.


Gần đây, khi Việt Nam được dự báo là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.


 

Bộ Tài nguyên&Môi trường đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hướng dẫn các bộ ngành và địa phương đánh giá tác động, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó.


 

Chính phủ chủ trương đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp hành động và tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.


 

Đến nay, cộng đồng quốc tế cam kết hoặc đang xem xét phê duyệt danh mục các chương trình, dự án hỗ trợ cho nước ta ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng số tiền gần 3 tỷ USD đến năm 2015 (bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi có kèm theo hỗ trợ kỹ thuật).


Không phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách


 

Về vấn đề bội chi ngân sách, vay nợ chi tiêu, phá giá đồng tiền, Thủ tướng khẳng định, chủ trương nhất quán của Chính phủ là không phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách. Toàn bộ số vay bù đắp bội chi ngân sách được dành cho đầu tư phát triển.


 

Thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắn một số bất cập liên quan đến tiến độ giải ngân, về chất lượng và hiệu quả của các dự án đầu tư, về việc không thực hiện hết kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2009 mà vẫn tiếp tục tăng đầu tư trong kế hoạch năm 2010.


 

Giải pháp cho những lỗi điều hành đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ báo cáo ngay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ cho kế hoạch năm 2010 và chỉ phát hành trái phiếu vay vốn khi đã có nhu cầu giải ngân.


 

Bài toán sử dụng hiệu quả đồng vốn, báo cáo giải trình của thủ tướng nêu hướng tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Tạo các điều kiện thuận lợi để các tập đoàn, các tổng công ty và các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện theo quy hoạch.


 

Người đứng đầu Chính phủ cũng hứa, năm 2010 sẽ tăng cường quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo quan hệ cung cầu để có lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.


Các giải pháp phục hồi tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát


 

Vấn đề được nhiều đại biểu và đồng bào cử tri quan tâm là năm 2010, chúng ta làm gì để tiếp tục thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn, vững chắc hơn sau khi các chính sách hỗ trợ trong năm 2009 sẽ kết thúc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2009, kinh tế nước ta tuy đạt được tốc độ tăng trưởng khá (khoảng 5,2%) trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm mạnh nhưng mức độ phục hồi còn chậm, chưa vững chắc và đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua.


 

Để đạt được mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009, phấn đấu tăng  GDP 6,5% trong năm 2010 và tăng bình quân khoảng 7 - 8% trong những năm tiếp theo, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế một cách phù hợp để tiếp sức cho các doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, hướng trọng tâm vào việc chuyển dịch cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.


 

Chính phủ đã thống nhất chủ trương là cần phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, kích thích thiết thực để vừa hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa để cho các doanh nghiệp thích ứng dần với lãi suất thị trường và không để lạm phát cao trở lại.


 

Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các chính sách đã áp dụng trong năm 2009, Chính phủ sẽ xem xét toàn diện để chính thức ban hành trong tháng 12 năm 2009 các chính sách hỗ trợ cụ thể áp dụng trong năm 2010. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.

 

Thảo Ly (tổng hợp)

(VFEJ, 19/11/2009)

Lượt xem : 1917