Thủy điện khiến lũ hung dữ hơn
11/25/2009 7:45:00 AM
TT - Ngày 24-11, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) đã tổ chức tọa đàm “Lũ lụt tại miền Trung, Tây nguyên: ý kiến của các nhà khoa học”. Hàng loạt lý giải về lũ miền Trung đã được đưa ra, trong đó thủy điện được nhận định là một trong những yếu tố quan trọng gây tăng mức lũ.
|
Cơn lũ về đột ngột tối 2-11 đã nhấn chìm nhiều xã của tỉnh Phú Yên (ảnh chụp sáng 3-11 tại Tuy An, Phú Yên) - Ảnh: PHI LONG
|
Theo ông Phạm Quang Tú - viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, từ trước đến nay tư duy đều theo hướng lũ lụt chỉ bởi thiên tai.
Tranh luận giữa các cơ quan nhà nước cũng mặc định mưa lũ là do khách quan. Cụm từ lũ lịch sử, mưa lịch sử được dùng như lý do bất biến, khó đối phó. Vì vậy, người ta dễ đổ lũ lớn cho nguyên nhân khách quan mà quên mất những yếu tố chủ quan. Trong khi đó, nhiều chuyên gia và ngay đại biểu Quốc hội Võ Minh Thức (Phú Yên) khẳng định lượng mưa đợt lũ lịch sử tại Phú Yên vừa qua chỉ 330mm, nhưng thiệt hại lại lớn hơn và mức lũ ngang bằng cơn lũ năm 1991 với lượng mưa 1.300mm. Vậy nguyên nhân ở đâu? Việc mặc định có đúng?
Xây thủy điện nhưng không tính đến lũ
"Qua ý kiến hôm nay, chúng ta sẽ cân nhắc thành lập đoàn nghiên cứu nhanh, khoảng 3-6 tháng về câu chuyện lũ lụt ở miền Trung. Chắc chắn ở đây có rất nhiều yếu tố tác động, từ biến đổi khí hậu, phá rừng cho đến xây dựng các nhà máy thủy điện..."
PGS.TS Hồ Uy Liêm (quyền chủ tịch VUSTA)
|
Góp phần trả lời ngay câu hỏi trên, PGS Nguyễn Đình Hòe - Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường VN - khẳng định: “Với địa hình các cửa sông miền Trung, thủy điện là một nguyên nhân quan trọng khiến lũ to hơn và nhanh hơn”. Là người nhiều năm nghiên cứu các cửa sông miền Trung, ông Hòe cho biết các cửa sông miền Trung rất nhạy cảm với lũ lụt nên xây dựng công trình nào cũng phải tính đặc điểm đó nhưng thủy điện lại... không tính.
Lý giải ý kiến cho rằng thủy điện không gây lũ vì nhiều huyện không có thủy điện vẫn có người chết, PGS Hòe cho biết cửa sông miền Trung rất đặc biệt: cửa sông rộng nhưng lại bị các cồn cát chắn nên thoát lũ rất kém, vì vậy khi lũ từ các nơi ập về đã gây ngập, thiệt hại lớn.
Vậy vai trò của thủy điện như thế nào? Theo ông Hòe, các thủy điện mùa khô phải giữ nước đã khiến động lực nước biển thắng động lực nước sông, đẩy các cồn cát hình thành cao hơn, chắc hơn, gần bờ hơn, gây khó thoát nước khi lũ đến. Mặt khác, trên một dòng sông có nhiều thủy điện, mỗi bậc thang thủy điện lại nâng mức nước lên một ít khiến lũ càng mạnh. Việc xả nước để đón lũ vào đầu hay cuối đợt mưa bão đều làm kéo dài thời gian lụt tại hạ lưu, trong khi đáng ra lũ có thể xuống nhanh hơn. Từ nghiên cứu của mình, PGS Hòe khẳng định: “Đã có thủy điện, quy hoạch tốt, vận hành đúng quy trình, tất cả các thứ đều tốt nhưng vẫn khiến lũ hung dữ và kéo dài hơn”.
Không nên làm nhiều thủy điện
|
Ông Tô Bá Trọng - Ảnh: X.LONG
|
PGS.TS Tô Bá Trọng: Tất cả thủy điện cùng xả lũ thì dân khổ
Tôi không phải là người chống thủy điện nhưng cũng đặt câu hỏi: điều tiết một hồ và liên hồ như thế nào, đã khoa học chưa? Liệu có khả năng không ai chết nếu ta báo động kịp thời không? Tất cả cùng tích nước, sau nói nếu không xả thì vỡ đập, rất đúng nhưng tất cả cùng xả thì dân khổ. Người dân chưa biết cách sống chung với kiểu lũ mới thì phải báo cho dân, chỉ cho họ. Xả rồi nói dân không có kiến thức thì không đang tâm. Chuyện này nay cần làm, mai cũng cần thiết phải làm. Nếu không chuẩn bị, dù xác suất không lớn nhưng nếu xảy ra thì tai họa rất lớn.
|
Nguyên là thứ trưởng Bộ Thủy lợi, từng lặn lội ở miền Trung nhiều năm chống lũ, ông Vũ Trọng Hồng - hiện là tổng thư ký Hội Thủy lợi - khẳng định với các dòng sông bắt nguồn từ dãy núi phía tây, lũ đã có thể về nhanh. Nếu thủy điện xả lũ tiếp thì đây là mặt tiêu cực do chính con người gây ra, là thảm họa lũ “nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên. Ông Hồng rất băn khoăn trước phát biểu của một vị lãnh đạo rằng nước lên thì phải cho xả. “Nước sông miền Trung có thể dâng vài mét/giờ, nói cứ cho xả, báo trước một giờ thì dân đã chết rồi”...
Theo ông Hồng, thời Pháp làm quy hoạch chỉ dám cho làm đập dâng cao mấy mét để giữ nước tưới cho dân, lũ về thì tràn qua. Bộ Thủy lợi trước đây cũng không dám cho làm thủy điện lớn vì sợ vỡ. Ông Hồng nói: “Đất ở Tây nguyên là đất bazan không thật chắc chắn, miền Trung đầy cát bụi, bêtông không thể chắc bằng ở miền Bắc”, từ đó ông Hồng đề nghị: “Thủy điện có thể làm nhưng không nên làm nhiều ở miền Trung”. Khả năng vỡ đập rất hiếm nhưng ông Hồng cho rằng “có ba đập ở trên Tuy Hòa, chỉ cần cùng xả mạnh thì Tuy Hòa có thể... bay ra biển”.
PGS.TS Hoàng Văn Tấn, khoa công trình thủy Đại học Xây dựng, cho rằng không thể bênh vực thủy điện không gây ra cái gì trong tai họa vừa rồi, nhưng việc phát triển thủy điện cần đánh giá một cách khách quan. Trong quá trình xây dựng đất nước, phải đánh đổi cái thiệt này lấy cái lợi kia, không bao giờ “ăn không” với thiên nhiên. Cho rằng có hồ chứa tốt hơn trong chống hạn nhưng ông Tấn cho biết khi xây hồ chứa thì phù sa ở hạ lưu hết có thể gây sạt lở ở thượng lưu và xói lở ở hạ lưu.
Ông Vũ Trọng Hồng cho biết các bộ nói hồ thủy điện đều có khả năng cắt lũ nhưng đi kiểm tra thì thấy nhiều thủy điện không có dung tích cắt lũ. Các nhà tài trợ nước ngoài cũng không tài trợ trồng rừng ở miền Trung nữa vì tài trợ xong thủy điện lại phá rừng.
Chống lũ - phải chống trước mùa lũ
Là người miền Trung, cả đời gắn bó với miền Trung, Tây nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định ngày xưa miền Trung không có lũ. “Tôi ở Hội An, mùa nước dâng, trẻ con đứng xem, người dân sống đàng hoàng, giờ lũ ào xuống”. Nêu thực tế Tây nguyên giờ cơ bản không còn rừng tự nhiên, ông Ngọc hỏi: “Như vậy làm gì không lũ?”. Cho rằng lũ năm 2009 có tác dụng cảnh báo quan trọng, nếu không giải quyết từ gốc những nguyên nhân của lũ, những năm sắp đến tai họa còn lớn hơn rất nhiều. “Năm nay mưa chỉ 300mm đã lũ, sang năm có thể mưa 200mm có thể cũng lũ lớn, chết người” - ông Ngọc nói.
PGS Nguyễn Đình Hòe cho rằng dân vẫn quen với lũ lên từ từ, thoát nhanh nên ngoài việc hướng dẫn nhân dân, cần tái quy hoạch, sắp xếp lại dân cư phù hợp với kiểu lũ mới. PGS.TS Hoàng Văn Tấn nhận định điều căn bản để điều hòa nước hai mùa mưa - khô là rừng nhưng VN giờ cơ bản không còn nên việc cấp bách là phải trồng rừng. TS Hoàng Hòe, phó chủ tịch Hội Lâm nghiệp VN, nhấn mạnh “cần kiên quyết giữ rừng tự nhiên, không nên phá chỗ này, trồng chỗ khác”. Ông Hòe cũng đề nghị nên tránh cách làm quy hoạch mời đại diện nhiều ngành nhưng góp ý thì ít được lắng nghe, cứ lợi là làm.
Hầu hết các nhà khoa học trong buổi tọa đàm đều đề nghị VUSTA nên có cuộc điều tra khảo sát riêng nhằm tìm số liệu cụ thể kiến nghị Nhà nước. Ông Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh giải pháp lâu dài là phải soát xét lại chiến lược phát triển kinh tế miền Trung có liên quan đến thiên tai và môi trường. Cần bổ sung quy chuẩn xây dựng công trình trên các dòng sông ở miền Trung để tránh các công trình xây dựng trên các điều kiện về địa hình, địa chất thủy văn không an toàn. Đặc biệt, theo ông Hồng, cần thay đổi tư duy chống bão lũ. “Phải kiểm tra công tác chống lũ, xem các thủy điện trước mùa lũ có xả nước không chứ đừng đợi lũ đến mới mặc áo phao đi chống” - ông Hồng nói.
PGS.TS Tô Bá Trọng kiến nghị nên thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi. Ủy ban này sẽ quyết ai được xả, xả lúc nào để đảm bảo tối ưu cho người dân và thủy điện.
C.V.KÌNH - X.LONG
PGS.TS Hoàng Văn Tấn (khoa công trình thủy, Đại học Xây dựng): Hỗn loạn về quy hoạch thủy điện
|
Ông Hoàng Văn Tấn - Ảnh: X.LONG
|
Nói như các chuyên gia, hầu hết thủy điện ở miền Trung không thể điều tiết lũ là rất chính xác. Thủy điện A Vương (Quảng Nam) với công suất 210MW, lớn gấp đôi thủy điện Thác Bà (Yên Bái) nhưng phạm vi mặt thoáng tạo thành hồ chứa chỉ có 9,09km2, một cái mặt hồ rất bé và dung tích toàn bộ của hồ chứa chỉ 343,55 triệu m3, trong khi dung tích hồ chứa của Thác Bà lên tới 1,4 tỉ m3, gấp gần năm lần hồ chứa của A Vương. Chính vì vậy, bao nhiêu năm nay hồ Thác Bà chứa và điều tiết rất tốt, không gây ra vấn đề gì đối với hạ lưu. Còn A Vương, chỉ cần một trận lũ lớn sẽ làm đầy hồ rất nhanh chóng, vì vậy buộc phải tính đến phương án giữ an toàn cho bản thân công trình. An toàn bản thân công trình là an toàn cho hạ lưu nhưng theo ý chủ quan của tôi, công trình này vì muốn giữ cho bản thân công trình phải đưa nước xuống hết và hạ lưu phải chấp nhận một đợt đại hồng thủy nữa.
Riêng tỉnh Quảng Nam có hơn 50 thủy điện. Nhìn vào con số đó tôi nói ngay “chết rồi”. Tôi đã đi hết khu vực miền núi của tỉnh này, khi thấy tỉnh cho tới hơn 50 dự án công trình thủy điện nhảy vào, làm sao ông có thời gian suy nghĩ để cân nhắc lợi hại, thứ tự trước sau như thế nào cho đúng. Đấy là quy hoạch, ông chưa có cái gì hết và cứ anh nào “chiếm” được đất và báo cáo lên là ông cho làm nên mới có tình trạng như thế. Theo tôi, đây là vấn đề quản lý nhà nước, chúng tôi không tham gia được nhưng về mặt chuyên môn, chúng tôi nhìn thấy đấy là một sự hỗn loạn về mặt trật tự và mặt quy hoạch.
Tôi nghĩ nếu ở cấp trung ương quản lý, phải siết chặt và quản lý theo lưu vực, không biết của địa phương nào, đơn vị nào nhưng trên lưu vực đó phải có người tổng chỉ huy để yêu cầu anh xây dựng theo đúng trật tự, vận hành theo hướng có lợi nhất.
XUÂN LONG ghi
|
(Tuổi Trẻ, 25/11/2009)
Lượt xem : 1903