Trong phiên chất vấn vừa qua, tôi nhận thấy ý kiến trả lời của các thành viên chính phủ về thủy điện là chưa thỏa đáng khi cho rằng thủy điện hoàn toàn không gây tác động xấu đến môi trường, không gây thêm lũ ở miền trung, rằng các công trình thủy điện đã làm đúng quy hoạch và vận hành đúng quy trình do chính phủ ban hành.
Tôi thừa nhận là thủy điện có nhiều lợi ích, nhưng bên cạnh lợi ích, thủy điện cũng có mặt trái. Mặt trái này nhiều hay ít phụ thuộc vào cách thức chúng ta quy hoạch và vận hành nó. Cứ cho là tất cả thủy điện đều làm đúng quy hoạch, song liệu quy hoạch đó đã hợp lý và đúng đắn về mặt khoa học chưa?
Việc phân cấp cho địa phương quyết định xây dựng thủy điện khi chưa có đánh giá môi trường chiến lược, chưa có quy hoạch hợp lý và thiếu giám sát có thể để lại hậu quả khó lường, tương tự như “vụ sân golf” vậy.
Trong văn bản trả lời chất vấn số 4220/BTNMT-PC, bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: “Đã kiểm tra 9 dự án thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên. Kết quả cho thấy phần lớn các thủy điện được kiểm tra đều không thực hiện nghiêm chỉnh theo báo cáo đánh giá tác động môi trường...”, “tác động tiêu cực đến môi trường..., gây mất rừng, tạo nên những đoạn sông chết”.
Việc tỉnh Quảng Nam vừa qua cho ngừng 9 dự án thủy điện, dự án A Chò ở Quảng Trị cũng bị đình chỉ cho thấy công tác quy hoạch đang có vấn đề. Rừng là nguồn nước của hồ chứa, liên quan đến sự an nguy và tuổi thọ của hồ nhưng đã không được quan tâm đúng mức.
Theo báo cáo của bộ Công thương và website của Công ty Thủy điện A Vương thì công trình thuỷ điện này có dung tích hồ chứa 343 triệu m3 , trong khi cơn lũ do bão số 9 chỉ đưa về khoảng 295 triệu m3 nước trong 72 giờ.
Về lý thuyết, hồ chứa của nhà máy này đủ khả năng cắt toàn bộ lũ nếu được tháo cạn trước khi lũ về, song trên thực tế vừa qua hồ chỉ cắt được 146,19 triệu m3 nước lũ trong 32 giờ đầu, còn 40 giờ sau cho xả tự do đúng bằng lượng nước lũ đổ về vì hồ đã đạt cao trình tối đa là 380m.
Mực nước trong các ngày 23 đến 27/9/2009 luôn ở mức 360m cho thấy hồ đã không hề xả bớt nước trước khi bão về. Việc này không phải là cắt lũ mà là tích nước trong giai đoạn đầu, xả nước trong giai đoạn sau, với lượng nước nhỏ hơn nhưng thế năng lớn hơn vì độ cao cột nước lúc đó đã là 380m (tăng 40m so với mực nước chết - 340m), làm tăng sức tàn phá của lũ. Toàn bộ thế năng hữu ích của cột nước vì thế đã biến thành sức tàn phá khủng khiếp.
Sự việc tương tự cũng có thể xảy ra với các công trình thủy điện khác. Nguyên nhân hồ thủy điện không xả hết nước trước lũ vì lo rằng nếu lũ về nhỏ, lượng nước tích được sẽ không đủ để phát điện. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu phát điện đã được đặt lên vị trí ưu tiên, hơn là cắt lũ.
Chính lãnh đạo công ty cũng phát biểu với báo giới rằng nếu xả hết nước mà lũ không về, hồ không tích đủ nước để phát điện thì ai chịu trách nhiệm? Trong khi đó, câu hỏi lẽ ra nên được cân nhắc phải là: nếu không xả nước trước, lũ về to, hồ thủy điện gây họa cho dân thì ai chịu trách nhiệm?
Những cơn mưa, cơn bão như vừa qua hoàn toàn có thể lập lại trong các năm tới, để làm rõ trách nhiệm và cũng là để tránh thiệt hại tương tự, tôi xin kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn với nội dung “thành lập một ủy ban lâm thời hoặc giao cho Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường chủ trì, mời các chuyên gia, nhà khoa học tiến hành kiểm tra, giám sát vấn đề bảo vệ rừng gắn với quy hoạch và vận hành các hồ chứa cũng như việc đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân nơi hạ nguồn”.
|
Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu quốc hội Khóa XII, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện là giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (tỉnh Tây Ninh).
|