Vietnamese English
Thương nhớ hoa cau

3/12/2020 7:30:00 AM

Tháng Ba, Đà Lạt ngát một màu phượng tím mà chẳng hiểu sao lòng tôi lại bồi hồi nhớ tới hoa cau. Một loài hoa cũng nở rộ vào tháng Ba nhưng chẳng bao giờ thấy trên thành phố cao nguyên này.

 

Hàng cau quê mẹ
Hàng cau quê mẹ

Thế mới biết, ký ức con người thật kỳ lạ. Có những điều bình dị, mong manh tựa khói sương mà thời gian đằng đẵng tưởng chừng đã vĩnh viễn rời xa, đứt đoạn, chìm vào quên lãng bỗng một ngày trỗi dậy, ào ạt tràn về như dòng sông mùa lũ. Cuốn ta đi, chới với giữa bộn bề kỷ niệm.

Nguyên cớ đơn giản chỉ là vào buổi chiều nay, trên khoảng sân trước căn nhà nhỏ dưới chân đèo, ta vô tình gặp mùi hương thoảng bay trong gió. Mùi hương mà bao năm phiêu dạt trên đất khách, ta chưa gặp lại bao giờ nhưng thẳm sâu trong ký ức của ta, dường như nó vẫn vẹn nguyên bởi đó không chỉ là một loài hoa, đó còn là quê hương, là tuổi thơ, là chân trời buốt nhớ.

***

“Hương cau thơm ngan ngan ngát đêm quê hương.

Hoa cau rơi như mưa vàng trước ngõ”.

Ngày bé, mỗi khi giai điệu ấy vang lên từ chiếc đài bán dẫn, tôi cứ bần thần nhìn lên hàng cau trước sân nhà và tin rằng người ca sĩ đang hát về làng tôi, về ngôi nhà của tôi, nơi mà cây cau đã gắn bó với bao phận người, đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống trên rất nhiều khía cạnh từ phong thủy, cảnh quan đến ẩm thực, phong tục, tín ngưỡng...

Cũng như nhiều ngôi làng Việt trên dải đất hình chữ S, làng tôi ngày ấy nhà nào cũng “chuối sau, cau trước”. Hiệu quả kinh tế của cây cau chẳng đáng là bao nhưng nhà nào cũng trồng bởi dường như đó đã thành thói quen. Trồng cau cho đẹp nhà, để ăn với trầu “làm đầu câu chuyện”, để ngày rằm, giỗ chạp dâng lên ông bà tổ tiên, làm đồ sính lễ trong dịp cưới hỏi. 

Quê tôi, cau còn là chỉ dấu đặc biệt bởi chỉ cần nhìn vào hàng cau trước nhà, người lạ có thể biết gia đình ấy có bao nhiêu thành viên. Như gia đình tôi chẳng hạn, sau khi sinh đủ 6 người con, bố tôi ra chợ mua 8 cây cau nhỏ trồng trước sân. Dù được trồng cùng một thời điểm, trên cùng một mảnh đất nhưng theo thời gian, 8 cây lại có kích thước khác nhau. Hai cây đầu tượng trưng cho bố và mẹ cao lớn nhất, 6 cây còn lại nhỏ và thấp dần tựa như 6 anh chị em chúng tôi. Mọi người quan niệm, cau nhà nào tươi tốt, sống lâu là có phúc. Nếu chẳng may có cây bị sâu bệnh, rũ héo, hoặc ngã đổ sẽ là điềm gở, phải tìm cây khác trồng thế vào. Với chúng tôi, cau giống hình nhân thế mạng.

Cuối thu, từng đàn chim én bay về phương Nam tránh rét, ngọn cau trở thành “trạm dừng chân” trên hành trình thiên di vạn dặm. Mỗi tàu cau có hằng trăm con chen chúc đậu, rì rầm trò chuyện. Lũ trẻ chúng tôi đợi đến nửa đêm, khi bầy chim đã chìm vào giấc ngủ sau chuyến bay dài mỏi mệt để trèo lên, bắt lấy vài chú nhốt vào lồng nhưng chỉ vài ngày, những con chim chẳng chịu ăn uống gì, dần héo hon, kiệt sức rồi lăn ra chết. Chúng tôi đâu biết rằng, sự ngây thơ và tình yêu của chúng tôi dành cho lũ chim đã tạo nên bi kịch bởi với chúng, trời đất bao la và cuộc sống tự do mới là nơi chúng thuộc về.

Tôi nhớ hoài những lần anh tôi đi bộ đội về nghỉ phép. Ngày anh trở lại đơn vị, mẹ tôi dậy từ mờ sáng thổi xôi nếp, gói vào chiếc mo cau trắng để anh ăn đi đường đỡ đói. Trong căn bếp nhỏ nhập nhòe ánh lửa, khói rơm, bóng mẹ in lên vách run rẩy, gầy guộc như tàu cau vàng úa sắp lìa thân. Mùi thơm của gạo nếp mới quện với mùi hương cau đánh thức tôi khỏi cơn buồn ngủ, chạy xuống bếp sà vào lòng mẹ. Anh đi rồi, dáng anh khuất dần trên cánh đồng mờ sương, mẹ vẫn đứng tựa vào gốc cau lặng lẽ trông theo. Trên cao, những bông hoa cau nhỏ li ti như sao, rụng trắng mái đầu của mẹ. 

Không giống như nhiều loài hoa luôn biết cách gây ấn tượng bởi màu sắc rực rỡ, dáng vẻ yêu kiều. Hoa cau nhạt nhòa và xa cách vì nở tít trên cao. Chỉ mùi hương là đượm sâu, dịu ngọt, ngập tràn không gian như thầm nhắc nhở cho mọi người biết sự có mặt của chúng. Khi bắt gặp mùi hương quen thuộc ấy, ta ngước nhìn lên cao sẽ thấy chùm hoa như mái tóc bung xõa giữa trời. Chùm hoa được kết từ vô số cành hoa hoa mảnh vươn dài, đính những hạt vàng nhạt. Chính “hạt ngọc” ấy theo thời gian sẽ đổi sang màu xanh và lớn dần thành những quả cau, sẵn sàng thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: 

“Gặp chàng dưới ánh trăng thanh.

Xin mời ăn miếng trầu xanh thắm nồng.

Trầu xanh, cau trắng, chay hồng.

Đẹp duyên phải phận tơ hồng trời xe”.

***

Cũng như các anh chị, tôi từ biệt ngôi nhà thân yêu vào một sáng hoa cau rụng đầy trước ngõ. Trước khi bước vội tránh ánh mắt buồn bã và đau đắng của mẹ, tôi ngước nhìn lên cao, thu vào tầm mắt những chùm hoa và hít thật sâu mùi thơm dịu ngọt. Khoảng khắc ấy thật ngắn ngủi nhưng đã hóa thạch trong trí nhớ của tôi để giờ đây, dù sống giữa xứ sở vô vàn hoa thơm cỏ lạ nhưng một góc tâm hồn tha nhân mãi mãi hao khuyết một sắc hương chẳng có gì bù đắp nổi.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG/Baolamdong

Lượt xem : 2850