Thủ phạm “bức tử” các con sông không bị đánh thuế
Theo dự thảo Luật, việc tính thuế môi trường phải chú trọng đến các nguyên tắc như: phải là hàng hoá được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người; phải phân biệt rõ về đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường và đối tượng chịu thuế môi trường...Do đó, các loại hàng hoá phải chịu thuế môi trường gồm năm loại: xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut); than; dung dịch HCFC; túi ni lông, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, không chỉ có năm nhóm đối tượng trên mới gây tác động xấu đến môi trường khi phát thải mà còn có rất nhiều đối tượng khác như: phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất tẩy rửa, thuốc lá, sơn công nghiệp..., do đó cần mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Đặc biệt đối với một số sản phẩm “siêu ô nhiễm” bức tử nhiều dòng sông như: nước thải công nghiệp, khí thải công nghiệp (công nghiệp xả thải CO2)… thì việc cho hưởng “quyền miễn trừ” thuế môi trường là không hợp lý. Nên chăng phải tính phạm vi áp thuế theo nguyên tắc “ai phát thải thì trả thuế môi trường”.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, để đưa một sản phẩm vào đối tượng chịu thuế phải tính đến nhiều yếu tố như tác động của thuế đối với sản xuất, cạnh tranh, thu nhập của người tiêu dùng, mức độ ô nhiễm của sản phẩm và tính khả thi của luật. Do đó chỉ quy định đối tượng này với những sản phẩm có tính chất ô nhiễm cao, tác động lớn đến môi trường và đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Dự thảo quy định người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân khai thác, sản xuất và nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thế môi trường. Điều này có nghĩa, một hàng hoá thuộc diện chịu thuế môi trường sẽ bị đánh ở ba khâu khai thác, sản xuất, nhập khẩu. Thuế môi trường chỉ được đánh một lần trên sản phẩm hàng hoá do đó dự thảo cần có quy định cụ thể về việc đánh thuế cũng như khấu trừ thuế để tránh tình cảnh “chồng chéo”.
Xăng – “mồi ngon”của các loại thuế, phí?
Xăng dầu là loại hàng hoá đặc thù mà ngay cả khi chưa được sử dụng các chất chứa trong xăng dầu cũng đã phát thải ra môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.
Theo ban soạn thảo, mức thuế tối đa trên xăng dầu bằng 25% giá bán tương đương từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít xăng, từ 300 đến 2.000 đồng/lít dầu hỏa. Và khi bắt đầu thu thuế môi trường, việc thu phí xăng dầu 1.000 đồng/lít như hiện nay sẽ được bãi bỏ. Nghĩa là bỏ phí này lại áp một loại thúê khác có mức giá bằng hoặc cao hơn. (!)
Hiện một lít xăng A92 đang có giá 16.400đ đồng/lít đã phải gánh đến 6.200 đồng tiền phí và thuế, gồm: 1.800 đồng thuế nhập khẩu, 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.200 đồng thuế giá trị gia tăng, 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 1.000 đồng tiền phí giao thông và 200 đồng Quỹ bình ổn xăng dầu. Như vậy, chỉ tiền thuế và phí đã chiếm 40% giá của một lít xăng.
Trong khi đó, Cục đường bộ, thuộc Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng đề xuất thu phí bảo trì đường bộ mà một trong hai biện pháp được ưu tiên là đánh thẳng vào xăng dầu. Xăng dầu tăng giá, kéo theo việc đẩy giá của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác. Do đó, khi cân nhắc đánh thuế, bằng việc bỏ phí này lại áp thuế kia, các nhà soạn luật cần cân nhắc để tránh gây thiệt cho những người tiêu dùng.
Đối với than, sẽ phải chịu cả phí và thuế bảo vệ môi trường vì Bộ Tài chính cho rằng phí và thuế là khác nhau, phí đánh vào khâu khai thác, thuế đánh vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm. Mức thuế môi trường của túi ny lông (đối tượng đang được tiêu thụ rất nhiều song chưa có đánh giá khoa học chính xác về mức độ gây hại môi trường) là 100- 150% giá bán.
(Nhân Dân @)
|