Vietnamese English
Thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải

2/9/2024 7:08:00 AM

Mặc dù công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ CTRSH được chôn lấp trực tiếp còn cao; công nghệ xử lý CTRSH của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; công suất xử lý CTRSH của các cơ sở hiện hữu không đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh, trong khi việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án còn thiếu nguồn lực tài chính, đất đai.


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc quản lý CTRSH là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội. Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT nhằm tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm thải bỏ; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các ngành, các địa phương cần huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTRSH; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH. Triển khai áp dụng giá dịch vụ xử lý CTRSH, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu ở các cơ sở tái chế.


Phạm Dung

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 841