Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì sự phát triển bền vững
10/22/2020 6:10:00 AM
Cần xây dựng một chiến lược phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành kinh tế trọng yếu, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi cần thiết để mô hình tiến bộ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.
Xu hướng tất yếu
Song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế tuyến tính truyền thống là con số gia tăng của tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) Việt cần phải hướng tới kinh tế tuần hoàn (KTTH) vì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo một nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí được Đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành gần 10 năm nay, dựa trên phương pháp hiện cũng được sử dụng tại Mỹ để lượng hoá thiệt hại ô nhiễm không khí để tính chi phí đền bù, các nhà khoa học đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (khoảng 240 nghìn tỷ đồng), tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chỉ rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Các chuyên gia nhận định, thiệt hại này có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp và hiệu quả. Một trong những cách để giải quyết bài toán này đó chính là KTTH.
|
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế |
Theo các chuyên gia, KTTH là một hệ sinh thái mà các chủ thể hoạt động dựa vào nhau, tạo thành một hệ thống có thể tồn tại bền vững và độc lập, trong hệ sinh thái này sản phẩm sẽ được sản xuất với mục tiêu tuổi thọ cao, tránh tạo ra phế thải ảnh hưởng tới môi trường.
Thực tế, khái niệm về KTTH đã có khá lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Và một trong những điều chúng ta thấy được ngày là nếu tính tuần hoàn của nền kinh tế được thực hiện triệt để, không có rác thải thì câu chuyện ô nhiễm môi trường đang bề bộn hiện nay sẽ được giải quyết. Ngoài ra, nó cũng có thể giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất, giúp DN sẽ bớt phụ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, KTTH sẽ giải quyết được xung đột giữa lợi ích đầu tư kinh doanh và bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế phi phát thải, là niềm cảm hứng, khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu sáng tạo, đưa ra những công nghệ tốt, ứng dụng vào kinh doanh. Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, phát triển bền vững có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ đô và hơn 380 triệu việc làm mới cho đến năm 2030, trong đó riêng mô hình KTTH sẽ tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội kinh doanh lên đến 4,5 nghìn tỷ đô.
KTTH đòi hỏi sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế và phát triển một sản phẩm, để sản phẩm đó sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành, độ bền cao hơn. Từ đó, khi kết thúc vòng đời, nó có thể được trở thành nguyên liệu đầu vào cho càng nhiều ngành sản xuất khác càng tốt.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Thực tế cho thấy, các DN Việt cũng đã bắt đầu quan tâm đến KTTH, minh chứng là nhiều nhà máy tái chế rác thải được xây dựng, DN cũng quan tâm hơn đến việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, ngân hàng cũng có nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho các dự án xanh… Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự phát triển đúng nghĩa KTTH, vẫn cần nhiều sự nỗ lực hơn nữa từ các DN, cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, đa số DN Việt Nam sẽ không dễ gì để bắt kịp xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực và nhận thức của DN, đặc biệt là DNNVV. Ngoài ra, truyền thông nâng cao nhận thức về mô hình KTTH còn hạn chế và quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý có liên quan, giám sát thực thi luật và đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết còn rất ít.
Chính vì vậy, cần tập trung vào công tác phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các DN về KTTH. Đồng thời, cần chú trọng vào chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, chính sách tài chính, thương mại cho phép chuyển đổi các chất thải/phế thải thông thường của ngành công nghiệp này thành các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; chính sách hỗ trợ tăng cường chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như các chính sách giúp xây dựng mạng lưới kết nối các DN đa ngành hiệu quả hơn và tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi.
Ngoài ra, cần xây dựng một chiến lược phát triển mô hình KTTH trong một số ngành kinh tế trọng yếu, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi cần thiết để mô hình tiến bộ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.
VCCI - VBCSD đã đề xuất việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình KTTH giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ có thể lựa chọn một số ngành kinh tế trọng yếu để triển khai thí điểm mô hình KTTH.
Bên cạnh kiến nghị chính sách, VBCSD-VCCI đã tiên phong thúc đẩy mô hình KTTH thông qua Sáng kiến Hỗ trợ DN triển khai KTTH tại Việt Nam từ năm 2018, với các hoạt động phối hợp cùng hội viên VBCSD, các đối tác trong nước/quốc tế như Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên – hướng đến giảm thiểu chất thải nhựa, Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, hay các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia KTTH của doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa, giấy... ông Vinh cho biết thêm.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ, KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân. Vì vậy, cần nâng cao ý thức của cả người dân về vấn đề này.
Theo ông Võ, cũng cần có khung pháp luật mạnh hơn, chi tiết hơn về vấn đề này.
Quỳnh Trang/TBNH
Lượt xem : 1457