Vietnamese English
Thừa và thiếu!

1/1/2020 8:30:00 AM

Quê tôi - một ngôi làng nhỏ gần sông Đáy. Tuổi thơ tôi là những kỷ niệm với triền đê uốn lượn ven làng, những tháng ngày rong ruổi trên những cánh đồng, bờ bãi... Tôi lớn lên bằng những sản vật từ bãi bồi ven sông ấy.


Con đường tôi hay về quê cũng là con đường đưa tôi đi đại học năm ấy. Tôi cứ bồi hồi những ký ức, mong muốn kéo về cho riêng mình một con đường nhỏ với hàng cây xà cừ cổ thụ gắn liền thế hệ chúng tôi bởi những mùa thay lá, mùa quả và nhiều nhất là những mùa gặt. Giờ đây, con đường được mở rộng nhiều làn xe, hai bên đường được nối tiếp nhau bởi nhà máy, xí nghiệp thay cho các ô ruộng trồng lúa, trồng rau và hàng cây xà cừ cũng không còn nữa...

Trước đây, cả làng tôi đều quen với cái “thiếu”. Người ta thiếu ăn, thiếu mặc nên sinh ra hà tiện. Có cái ngon là mang lên chợ phố bán để dành tiền cho gia đình; sau vụ lúa, có gạo mới đem đổi thành bún. Vào những ngày rằm, mồng một, lại thêm con vịt, con gà coi như cả làng đều có “đại tiệc”!
 

Thừa và thiếu!


Quê tôi, hay quê của bạn thì đều đã qua “giai đoạn thiếu”, nhưng chắc chắn quê của chúng ta

chưa đến được “giai đoạn thừa”

Người ta thiếu chất đốt nên gốc rạ cũng phải cắt sát đất để tận thu, cùng những thân muồng cũng được trồng tăng cường dọc các bờ mương, bờ thửa để làm củi.  Có thể, những thế hệ 8X trở về trước nếu vô tình gặp được những đống rơm rạ được đốt khi để ngoài đồng trong những buổi chiều sẩm tối, cái vị khói khét khét, thơm thơm vô tình làm cay cay mắt, đôi khi cũng thỏa mãn những ký ức của cả một bầu trời tuổi thơ...

Và nay, chẳng riêng gì quê tôi mà nhiều miền quê, người nông dân đã chuyển sang dùng gas, điện, than làm chất đốt nên rạ rơm hôm nào bỗng dưng thất sủng. Tự nhiên người ta sinh lo vì không biết để rơm rạ vào đâu sau mỗi vụ mùa, cách tốt nhất của họ là đem đốt. Thế là cả xóm, cả làng.. .đều đem rơm rạ để đốt. Những đám khói mù mịt bao phủ khắp cánh đồng, vây kín các trục đường giao thông không chỉ làm giảm tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mà khói còn theo gió vào khu vực nội thành khiến chất lượng không khí bị suy giảm, thậm chí có nơi bị ngột ngạt ô nhiễm khói rơm.

Trước đây, người ta thiếu dinh dưỡng cho cây trồng nên biết vun vén từ thân cây lạc, cây vừng, cây lúa non để dầm và ngâm dưới mỗi luống cày làm phân xanh; người ta biết dành dụm, để gọn chất thải từ chăn nuôi phục vụ cho hai mùa lúa chính. Và không riêng gì quê tôi, hiện nay ruộng không còn nhiều vì đã dành một phần cho đô thị hóa, người dân cũng ít làm nông nghiệp, dinh dưỡng cho cây cũng được công nghiệp hóa trong các bao đạm, thế nên cây lạc, cây vừng, chất thải từ chăn nuôi cũng bị thất sủng... Trước đây, vì thiếu đủ bề nên khó thừa, tức là không có đồ bỏ...

Còn nay, người dân quê tôi đã có “của ăn, của để”, thế nên sinh ra nhiều cái "thừa". Họ đổ đủ thứ từ rác sinh hoạt, xi măng, gạch, ngói đến các phế phẩm, chất thải chăn nuôi lên ven đê, ra ven đầm, ven bãi. Người ta không thích trồng cây tận dụng bên đồng, bên bãi, mà họ thích trồng tại cơ đê, những nơi gần nhà.

Con mương ven làng nay vẫn còn đó, nhưng dường như nó nhỏ đi trong mắt chúng tôi. Mẹ tôi bảo: "Mương vẫn thế, chắc do con đi nhiều, biết lắm, quen nhìn cái lớn nên thấy mương nước làng mình nhỏ thôi". Không biết mẹ tôi khen hay nhắc khéo nữa... Nước trong mương bây giờ không còn trong và đỏ phù sa như hồi tôi bé, thay vào đó là màu đen, sủi bọt trắng, mùi hôi - hắc, mẹ nói là do mấy anh nhà máy dệt, nhuộm phía trên thải ra nên nông nỗi thế...

Vâng! “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Người ta cứ nhắc đến quê, về quê là cố định một hình ảnh có cây đa, giếng nước, sân đình; là những nếp nhà ngói, đâu đó còn rêu phong bởi thời gian minh chứng; là con người mộc mạc, đôn hậu quen với hình ảnh chân lấm tay bùn.

Nay, nhắc đến quê hay các vùng nông thôn nói chung, ta sẽ thấy những hình ảnh mới là những ngôi nhà tầng khang trang tường bao ngập tầm nhìn; đường đi, lối lại được bê tông hóa và đồng bộ với hệ thống thoát nước; đường ra đồng,  ra bãi, con mương, con ngòi cũng được cứng hóa; xe kéo cơ giới thay cho con trâu, con bò. Người nông dân không chỉ đơn điệu một nghề làm nông, họ đã biết đổi mới về cơ cấu cây trồng - vật nuôi ngay trên mảnh đất cũ. Họ đã năng động về tư duy để biết cách tổ chức sản xuất “mẫu lớn”.

Sẽ không ai có được một tấm vé để quay về tuổi thơ, cá nhân tôi cũng không thể cứ mãi tương tư về những hoài niệm cũ để ích kỷ có cho mình một miền quê đẹp nhưng lại “thiếu” trăm bề... Quê tôi, hay quê của bạn thì đều đã qua “giai đoạn thiếu”, nhưng chắc chắn quê của chúng ta chưa đến được “giai đoạn thừa”. Ở quê, nếu cứ để người dân tự phát xử lý những phế phẩm từ nông nghiệp, “cái thừa” trong giai đoạn nông thôn mới và đô thị hóa thì chắc rằng sẽ có nhiều “cái thiếu” về môi trường...

Chuyện thừa và thiếu còn nhiều điều đáng suy ngẫm!

Nguyễn Hoàng/ĐCS

Lượt xem : 1564

TIN KHÁC

Bảo mẫu của voi (27/01/2025 10:24 )
DÀI NGẮN (27/01/2025 08:17 )
Thơ Xuân quên (24/01/2025 18:41 )