Vietnamese English
Thừa Thiên Huế: Muốn phát triển du lịch xanh, cần cho thấy lợi ích lâu dài

5/6/2022 8:12:00 AM

Du lịch xanh là tương lai, nhưng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì người dân cần là chủ thể, thấy được lợi ích; doanh nghiệp cùng đồng hành khai thác.


Xu hướng chọn du lịch xanh của du khách

Người dân là chủ thể

Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Du lịch xanh được định hướng phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Ông Jason Martin Lusk, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn Clickable Impact cho rằng, du lịch xanh, du lịch sinh thái đã trở thành một xu hướng phát triển của ngành du lịch hiện nay. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch xanh. Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, Huế đủ điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững, làm hài lòng khách ở bất kỳ khía cạnh nào.

Huế là điểm đến xanh

Kinh nghiệm về phát triển du lịch ở nhiều nước cho thấy, sự tham gia tích cực của người dân địa phương là cần thiết, bởi bản thân người dân là văn hoá, môi trường, lối sống và truyền thống... những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch. Nâng cao ý thức toàn dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt đối với những người dân đang là chủ sở hữu của các công trình văn hóa hoặc các tác phẩm văn hóa có giá trị là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist nêu dẫn chứng, những năm qua, công ty dành phần thời gian kết hợp, hỗ trợ trên 10 cộng đồng tại Huế từ miền núi A Lưới, Nam Đông, đến các làng nghề và nhà vườn Thủy Biều, TP. Huế, vùng đầm phá và biển. Một điều được chỉ ra ở những mô hình là, khi người dân được hưởng lợi sẽ duy trì tốt hoạt động và ngược lại. Phát triển du lịch xanh chỉ bền vững khi người dân là chủ thể, gắn với môi trường thiên nhiên. Xanh ở đây không chỉ hiểu về nghĩa bóng, mà còn là lợi ích, nguồn thu bền vững từ du lịch mang lại.

Triển khai nhiều giải pháp

Phát triển du lịch xanh có nhiều giải pháp phải triển khai đồng bộ. Như phân tích ở trên, trong đó cần giải quyết hài hòa mối quan hệ “hữu cơ” giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; đặc biệt là giữa ngành văn hóa, du lịch và chính quyền các địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu, quản lý khai thác một cách hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa hiện có; cũng như trong công tác đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo khả năng tiếp cận thuận lợi nhất từ khu vực trung tâm Cố đô Huế đến các điểm du lịch trong toàn tỉnh. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một quy chế phối hợp và kế hoạch hợp tác liên ngành, liên vùng trên cơ sở các bên cùng có lợi, vì sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế.

Ông Jose Sanchez Barroso, đại diện Eurocham khu vực miền Trung Việt Nam cho rằng, về định hướng thúc đẩy du lịch xanh, bền vững cần giáo dục cho người dân địa phương về lợi ích phát triển kinh tế xanh; đồng hành của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn trong các yếu tố như phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững từ những hoạt động nhỏ nhất.

Lãnh đạo ngành du lịch thông tin, để giải quyết được những vấn liên quan đến lợi ích các bên trong phát triển du lịch xanh, ngành du lịch tỉnh đang đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch (áp dụng chung trong cả nước). Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như “tour xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch cho biết, song song với đó, sở tiếp tục nâng cấp các tour tuyến, các loại hình dịch vụ gắn với du lịch xanh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề du lịch xanh, như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm, điểm “check-in” du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; các tour du lịch bảo tồn di sản văn hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 05/5/2022

Lượt xem : 1673