Vietnamese English
Thừa Thiên Huế: Bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tại vùng đất ngập nước

10/28/2022 6:46:00 AM

Xác định tầm quan trọng của hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các giải pháp giữ gìn đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu.

 

Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) là một phần của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao với hơn 900 loài động, thực vật. Cửa sông Ô Lâu nằm trên địa phận 5 xã: Điền Hòa, Điền Lộc, Phong Chương (huyện Phong Điền), Quảng Thái, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). Đây là vùng giao lưu giữa nước ngọt của sông và nước lợ của đầm phá, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động, thực vật. 

Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên vùng cửa sông Ô Lâu cho thấy, khu hệ thực vật tại cửa sông tồn tại 03 loại sinh cảnh khác nhau: Sinh cảnh đất nông nghiệp (lúa nước) tập trung tại vùng đệm, sinh cảnh rừng trồng (Tràm hoa vàng, Bần chua, Mưng) chủ yếu tập trung trong vùng lõi, sinh cảnh cỏ lác và cây bụi nằm rải rác trên các cồn nổi và dọc sông Ô Lâu.

Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu là một phần của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi có tính đa dạng sinh học. Ảnh: Võ Thạnh 

Bên cạnh đó, khu hệ chim ghi nhận 72 loài, trong đó có 08 loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn. Khu hệ cá có khoảng 48 loài cá thuộc 08 bộ 21 họ trong đó có 13 loài được xác định phổ biến, 26 loài tương đối phổ biến và 09 loài không phổ biến. Có 04 loài ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN (2020) và Sách đỏ Việt Nam (2007) là Cá Mòi đường Albula vulpes - Sắp bị đe dọa - NT (IUCN, 2020) và Sẽ nguy cấp VU - (SĐVN, 2007), Cá chuối hoa Channa maculata (EN) và Cá má vàng Elopichthys bambusa (VU).

Ngoài ra, khu hệ bò sát, ếch nhái ghi nhận 28 loài bò sát và ếch nhái, trong đó có 9 loài phổ biến, dễ gặp trong quá trình khảo sát; có 13 loài ít gặp, tỉ lệ bắt gặp không lớn; và 6 loài rất khó gặp. Trong 28 loài có 05 loài có giá trị bảo tồn, nằm trong sách đỏ Việt Nam gồm Rắn ráo thường Ptyas korros, Rắn cạp nong Bungarus fasciatus, Rắn hổ mang một mắt kính Naja kaouthia, Nhông cát ri vơ, Leiolepis reeverii, Rắn sọc dưa Coelognathus radiatus.

Để có thể phục hồi giá trị đa dạng sinh học nhằm sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên của khu vực cửa sông Ô Lâu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng nội dung bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền. 

Đề án được triển khai nhằm đánh giá được hiện trạng và đề xuất giải pháp khôi phục cảnh quan tự nhiên hướng đến xây dựng mô hình thu hút, bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương tham gia mô hình du lịch sinh thái bền vững tạo điểm nhấn cho khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thông qua các mô hình thiết lập, bảo vệ các hệ sinh thái, sinh cảnh sống của các loài hoang dã, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Là địa điểm thu hút các chương trình nghiên cứu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm các mô hình trong nước, quốc tế.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khu tràm chim Ô Lâu là 1.270,2 ha, bao gồm các phân khu chức năng Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Là nơi trồng rừng nhằm phục hồi, tạo sinh cảnh làm nơi trú ngụ cho các loài động vật hoang dã (chim, cá, bò sát, ếch nhái) gồm 157,3 ha, trong đó 142,4 ha thuộc địa giới hành chính xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền và 14,9 ha thuộc địa giới hành chính xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.

Phân khu phục hồi sinh thái: Là nơi phục hồi, tạo các sinh cảnh cho các loài động vật hoang dã trú ngụ trong tương lai, gồm 1.084,5 ha có chức năng bảo vệ cho phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Phân khu hành chính dịch vụ: Là khu vực xây dựng các công trình làm việc, sinh hoạt của Ban quản lý Trằm Chim, nơi nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cứu hộ và phát triển sinh vật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật, gồm 28,4 ha. 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học và  hục hồi sinh cảnh trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu 

Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình gồm: Khu vực vùng lõi (trên 04 cồn nổi) phục hồi, tạo các sinh cảnh, hệ sinh thái bằng phương án trồng các loại cây khác nhau (bần, tre, mưng, dừa nước, cỏ Lác) nhằm tạo các sinh cảnh thích hợp với các loài chim rừng. Khu vực mặt nước được đề xuất tạo các sinh cảnh tự nhiên và nhân tạo như trồng Sen, tạo các bè cỏ nổi, khoanh vùng các khu vực mặt nước được bao quanh bởi rừng và cỏ lác làm nơi nghỉ chân trú ngụ của các loài chim nước.

Đề án đề xuất các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 bằng các hoạt động: phục hồi các sinh cảnh, hệ sinh thái đã từng tồn tại trong khu vực, tạo các sinh cảnh mới, như: trồng 5 ha sen, 20 ha cỏ lác và 1 ha bèo lục bình, tạo sinh cảnh cho các loài chim nước; trồng 40 ha rừng ngập nước; 2 ha cây tre để tạo sinh cảnh cho các loài chim rừng.

Đồng thời xây dựng, triển khai các phương án thu hút, bảo tồn, quản lý bảo vệ các loài động vật hoang dã; xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng bền vững và tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng.

Thanh Nga

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 1701