Thừa đất làm sân golf, thiếu đất xây trường
11/6/2009 5:34:00 AM
Tác giả: Trần Nam Hà.
Trong khi thiếu đất làm trường…thì việc cấp đất xây dựng sân golf lại quá hào phóng, bung ra quá nhanh chóng… Ký túc xá cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trung học và dạy nghề cũng ngày càng thiếu...
Bên “bội thực” bên “đói dài”
Bước vào năm học 2009 - 2010 người dân t/p Hồ Chí Minh hoảng hốt vì quận huyện nào cũng than trời về chuỵện thiếu trường lớp. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn phải học 2 đến 3 ca trong ngày, chưa nói gì đến việc dạy 2 buổi trong ngày ở bậc tiểu học.
Ở Hà Nội tình trạng thiếu trường lớp, khuôn viên nhà trường quá chật hẹp cũng rất nhiều. Số học sinh/ lớp còn cao, đặc biệt là số trẻ em đến tuổi đến trường vào lớp 1 tăng vọt do sinh vào năm con dê vàng nên nhiều trường phải xếp trên dưới 50 học sinh/ lớp. Ngay ở nội thành Hà Nội còn nhiều phường chưa có đầy đủ hệ thống trường lớp công lập. Phường Trung Liệt, quận Đống Đa có số dân tương đương 5 xã ở đồng bằng sông Hồng nhưng chưa có trường mầm non, trường trung học cơ sở trong khi đó có đất để cho thuê xây dựng siêu thị...
Cả nước việc kiên cố hoá trường lớp còn rất chậm, mới đạt 30% kế hoạch. Gần 2 năm 2008- 2009 kế hoạch xây dựng là 62.026 phòng nhưng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 18602 phòng. Ngoài phòng học, hầu hết các trường chưa có khu thực hành thí nghiệm, vườn trường, sân chơi, bãi tập cho học sinh, sinh viên do thiếu đất.
|
Nơi đất dự án bỏ hoang, nhưng vẫn thiếu đất xây trường |
Nhiều khu đô thị mới không có đủ trường học các cấp phục vụ cho người dân tái định cư. Các chủ đầu tư chỉ xây dựng nhà để bán kiếm lợi nhuận cao còn cái gì cũng thiếu. Nhiều gia đình trong diện giải phóng mặt bằng phải đến khu tái định cư gặp rất nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất là không có trường lớp mầm non, tiểu học cho các cháu. Họ phải đưa các cháu học ở trường lớp xa nhà, trái tuyến, có khi phaỉ gửi các cháu vào các lớp tư thục với học phí cao ngất ngưởng, nhưng không có con đường nào khác.
Nhiều người trong ngành giáo dục cho rằng nguyên nhân thiếu trường lớp là do quỹ đất dành cho giáo dục xây dựng trường mới hầu như không còn nữa, kể cả việc mở rộng mặt bằng, cải tạo trường có khuôn viên chật hẹp, xuống cấp. Thủ tục xây dựng rườm rà, năng lực thi công yếu kém.
Trong khi thiếu đất làm trường như thế thì việc cấp đất xây dựng sân golf lại quá hào phóng, bung ra quá nhanh chóng. Tỉnh Bình Thuận cứ cách 10 km lại có một sân golf, 7.000 ha đất cho 15 sân golf có sân rộng tới 135 ha nhưng chỉ sử dụng 13ha còn xây biệt thự xung quanh lên tới 2000 căn. Tỉnh Long An cũng có tới gần 20 dự án sân golf. Thủ đô Hà Nội cũng có quá nhiều dự án sân golf. Sân golf nằm trong khu công nghệ cao Hoà lạc rộng 120 ha gấp hơn 61 lần diện tích khu ký túc xá Mỹ Đình 2 đang bắt đầu xây dựng. Vừa qua Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội buộc phảiquyết định dừng 11 dự án sân golf.
Cùng với thiếu đất xây dựng trường, ký túc xá cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trung học và dạy nghề cũng ngày càng thiếu. Có trường đã có tới 40, 50 năm tuổi nhưng ký túc xá chỉ đáp ứng được 5% chỗ ở cho sinh viên như Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, 10% như Học viện Ngân hàng. Tình trạng tìm đường chạy vào ký túc xá đầu năm học năm nào cũng diễn ra quyết liệt vì nhà trọ ở ngoài trường giá ngày càng cao lại không bảo đảm điều kiện học tập và thiếu an ninh trật tự. Trong khi đó thì hàng loạt khách sạn thừa phòng nhất là khách sạn 4, 5 sao.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch t/p Hồ Chí Minh cho biết, hiệu suất sử dụng phòng trung bình của khách sạn 4, 5 sao trên dưới 52%. Các khách sạn đang xem xét thống nhất giảm giá 50%. Thế đấy, nhà trọ sinh viên tăng gấp 2 lần trong khi khách sạn giảm giá một nửa...
Tại anh, tại ả - tại cả đôi bên
Vì sao có những nghịch cảnh trên đây? Người viết xin nhắc lại lời của nhà thơ Tố Hữu nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ lúc còn sinh thời cách đây 10 năm, từng thốt lên: "Khi cần đầu tư cho khách sạn, đường xá thì có thể rất nhiều và rất nhanh nhưng cho giáo dục thì ..." (Báo Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt tháng 6 năm 2009).
Phát biểu trong Hội nghị tổng kết năm học 2009- 2010 của các trường đại học, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phát biểu: “Trong giáo dục cũng đã có nhiều đóng góp nhưng chưa phải là quốc sách hàng đầu".
|
Trường thiếu đất, học sinh phải học thể dục trong hành lang |
Vậy nguyên nhân thứ nhất thiếu đất xây dựng trường, thiếu ký túc xá cho sinh viên có phải do các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp tỉnh, t/p trực thuộc TW chưa nhận thức đầy đủ giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển? Vì thế mới ưu tiên cấp đất làm sân golf hơn cấp đất để xây dựng trường.
Mặt khác, cũng phải thấy “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Ngành giáo dục mà chủ yếu là cấp bộ và sở chưa làm tốt công tác quy hoạch về mạng lưới trường sở. Điển hình như Nghệ An trong năm vừa qua việc sát nhập trường sở đã bị nhân dân phản đối. Như ở huyện Yên Thành có trường tới ngày khai giảng không có học sinh nào tới trường.
Tỉnh Lâm Đồng có trường xây nhà 2 tầng 6 phòng học kiên cố mà chỉ có 20 học sinh đến học trong khi có trường phải học 2,3 ca. Mặt khác nhiều sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng nhà trường, kể cả các trường đại học thiếu năng động, chưa kiên trì vận động, tham vấn đủ tầm để chính quyền và các ngành có liên quan cấp đất xây dựng trường sở.
Người xưa đã nói : “Con có khóc mẹ mới cho bú". Không tự cứu mình cứ vin vào khó khăn khách quan thì đến "mùa quýt"mới đủ đất xây dựng trường, nhà công vụ và ký túc xá cho học sinh, sinh viên.
Nguồn: Tuần Việt Nam, 5/11/2009
Lượt xem : 3149