Thư viện xanh giữa núi cao
11/5/2014 8:31:00 AM
Nhìn ngắm những cuốn sách được đút gọn ghẽ trong những chiếc chai nhỏ xinh treo lơ lửng trên những cành bàng giữa sân trường Hồ Bốn, Mù Cang Chải - nơi mà giáo viên và những em học trò nhỏ nơi đây gọi là Thư viện xanh, tôi ngộ ra rằng sự sáng tạo không hề có giới hạn, và tình yêu nào cũng đẹp vô cùng.
|
Góc Thư viện xanh: Sự sáng tạo không hề có giới hạn, và tình yêu nào cũng đẹp vô cùng |
Văn hóa đọc có thực sự đang xuống cấp hay không?
Đâu đâu cũng nghe nói rằng giới trẻ bây giờ không chịu đọc sách, giới trẻ bây giờ chỉ thích nhạc Hàn, sách vở được thay thế bởi các thiết bị công nghệ hiện đại hơn… Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Quá ít ỏi!
Tuy nhiên, chỉ số sau đây sẽ khiến cho bạn suy nghĩ hoàn toàn khác. Chỉ với một tuần lễ hội sách ở TP.HCM, Ban tổ chức cho biết: Cùng với việc tăng 20% khách dự, tổng doanh thu hội sách đạt 30 tỷ đồng, tăng hơn 150% so với doanh thu hội sách lần trước. Hơn 4,8 triệu bản sách và văn hóa phẩm được bán ra, tăng hơn 120%). Điều này chứng tỏ văn hóa đọc không hề xuống cấp!
Vậy văn hóa đọc là gì? Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức (theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình).
Sự sáng tạo bởi tình yêu sách
Tiếp cận tri thức, hay văn hóa đọc ở thành phố là chuyện “quen thuộc” được nói đi nói lại nhiều lần trong giới truyền thông. Việc tiếp cận tri thức ở miền núi ra sao lại là một câu hỏi lớn. Nhưng sự sáng tạo không hề có giới hạn, và tình yêu nào cũng đẹp vô cùng. Điều này, tôi đã ngộ ra khi một lần đến thăm trường Hồ Bốn - Mù Cang Chải, một trong những điểm trường chúng tôi hỗ trợ chăn ấm trong chuyến đi Mù Cang Chải của mình.
Nhìn từ xa trường Hồ Bốn đầy màu sắc, khiến cả đoàn còn nhầm đây là trường mầm non. Đến gần, chúng tôi mới tin vào mắt mình, đó là điểm trường chúng tôi cần tìm, Trường cấp 1, 2 Hồ Bốn.
Đón tiếp chúng tôi là các cô giáo còn rất trẻ, má hây hây đỏ vì cái cái gió lạnh của vùng núi Tây Bắc cùng các em học sinh. Hầu hết các em đều rất bẽn lẽn, với nụ cười hồn nhiên đứng nép vào nhau nhìn chúng tôi chỉ trỏ. Thoang thoáng nghe tiếng Kinh, rồi tiếng Dân tộc xen lẫn ồn ào, tò mò và nhí nhảnh. Để các em bớt đi cái ngại ngần, chúng tôi đã làm thân với nhau rồi cùng nhau dỡ chăn trên xe xuống. Niềm vui, tiếng cười và sự hào hứng đã xóa đi khoảng cách lạ lẫm ban đầu. Có em còn đứng tạo dáng cho chúng tôi chụp hình...
|
Niềm vui, tiếng cười và sự hào hứng đã xóa đi khoảng cách |
Không rộng rãi khang trang, nhưng quang cảnh ngôi trường thật đẹp. Sân trường là những cây bàng đang chuyển màu mùa thay lá, và mọi sự tò mò, hấp dẫn nằm ở những chiếc chai treo lủng lẳng nơi những gốc bàng này. Tưởng rằng đây là cách trang trí bình thường của các cô giáo, đến gần cầm lên và ngắm nghía, đó là cả một sự phát hiện thú vị.
Những bông hoa, chiếc lá, ngôi sao nhỏ xinh... được cắt từ giấy màu và dán bên ngoài vỏ chai còn bên trong là những cuốn sách. Ồ lên vì ngạc nhiên, các cô giáo cho chúng tôi biết đó là Thư viện xanh của trường.
Vì trường không có phòng đọc, nên các cô đã nghĩ ra cách bỏ sách vào trong mỗi chiếc chai, có nắp, được cắt một phần nhỏ dưới đáy để học sinh có thể lấy ra và cất vào. Ngoài ra sự trang trí nhiều màu sắc khiến các em tò mò, kích thích sự đọc. Chai được treo dưới tán của những cây bàng, bất chấp nắng mưa. Đa số sách trong đó là truyện cổ tích, truyện phiêu lưu, những cuốn truyện tranh nhỏ… phù hợp và dành cho thiếu nhi.
Giờ ra chơi, các em lấy sách đọc, đọc xong lại cất vào rất tiện lợi và rất có ý thức. Niềm vui, sự hào hứng và tự tin trong giọng kể của cô giáo về Thư viện xanh khiến chúng tôi như được sống trong thế giới hoàn toàn khác, hồn nhiên và đầy sức sống, sức sống của sự sáng tạo cũng như sức sống của văn hóa đọc.
|
Sách được đút gọn ghẽ trong những chiếc chai tự trang trí
|
Thấy một em nhỏ đang cầm trên tay cuốn Cuộc phiêu lưu của Tôm Sawyer, tôi tới gần lân la hỏi: Em đọc đến trang bao nhiêu rồi, em có thích không? Em lấy sách che kín mặt thỏ thẻ: thích lắm ạ, vui lắm ạ! Tôi thấy thêm niềm tin vào văn hóa đọc, niềm tin vào tình yêu sách sẽ mãi mãi thủy chung, son sắt.
Vấn đề văn hóa đọc chắc chắn sẽ còn được nói nhiều nữa, vì xã hội thì luôn phát triển. Chúng ta sẽ làm gì cho các em ở vùng núi cao, khi hầu hết các em vẫn không đủ áo ấm đến trường huống chi là sách để đọc? Hình ảnh thư viện xanh và nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ như câu hỏi khắc sâu trong chúng tôi.
Theo Dương Nguyệt (Thethaovietnam.vn)
Lượt xem : 2456