Thư ngỏ của một người tâm huyết với quê hương
3/31/2012 9:35:00 PM
VACNE-Ngày 30/3/2012, Hội Bảo vệ TN&MT VN nhận được bức thư ngỏ của ông Nguyễn Đình Đại, ở thôn Đồng Bụt, Xã Ngọc Liệp, Huyện Quốc Oai, Hà Nội về việc bảo vệ một cây cổ thụ quý ở quê hương. Được sự đồng ý của ông Đại, chúng tôi xin đăng tải trên Website của Hội.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
THƯ NGỎ
Kính gửi: HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
Tôi tên là: Nguyễn Đình Đại
Thường trú: Thôn Đồng Bụt – Xã Ngọc Liệp – Huyện Quốc Oai – Hà Nội.
Số điện thoại: 0974 996 875 - Email: daiphubinh@yahoo.com.vn
Thời gian vừa qua tôi xem trên truyền hình và trên mạng internet được biết Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã vinh danh và công nhận nhiều cây di sản rất có giá trị về thân hình, độ tuổi và lịch sử. Song một số cây tôi nhận thấy không được bằng cây ở làng tôi. Sau đây tôi xin được giới thiệu vài nét về cây cổ thụ của làng tôi:
Làng tôi tên gọi là làng Đồng Bụt hay (làng Đồng Phật). Tương truyền rằng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được sinh ra ở làng tôi, vì vậy ở làng tôi có một địa danh được gọi là Vườn nở, nơi mà Thiền sư đã chào đời. Tại một ngôi đền của làng tôi có trồng (mọc) một cây Bồ Đề, ở làng tôi gọi đó là Cây Đề.
Không biết nó có từ bao giờ? Ai trồng? hay tự mọc. Cách đây 15 năm khi Ông nội tôi còn sống lúc đó Ông nội tôi đang ở tuổi 80 nhưng còn rất minh mẫn, tôi đã hỏi Ông tôi về nguồn gốc của Cây, nhưng ông tôi nói không biết nó có từ bao giờ, khi ông tôi sinh ra và lớn lên đã có rồi và nó vẫn cứ thế sau 80 năm kể từ khi ông nội tôi sinh ra và ở làng tôi cũng có rất nhiều các cụ cao tuổi nhưng các cụ cũng không biết nó có tự bao giờ.
Tôi cũng không biết chu vi của nó là bao nhiêu, tôi vẫn còn nhớ khi tôi 12 tuổi, buổi trưa hôm đó trời nắng, nóng có rất nhiều người ngồi hóng mát dưới gốc cây và họ đã bàn tán xôn xao về cây Đề, không biết nó có từ bao giờ và nó to ra sao và thế là 11 người đã cầm tay nhau đứng xung quanh thân cây mới ôm hết thân cây.
Cành cây tỏa ra khoảng chừng 5 sào đất, cách gốc cây tính theo đường thẳng khoảng 500m nhiều gia đình đào giếng khơi, đào móng nhà vẫn thấy rễ cây ăn vào. Khoảng cách từ gốc cây lên đến cành thứ nhất chừng 5,5m. Cây chỉ có một thân, thẳng đứng. Do không được chăm sóc cẩn thận nên nhiều cành cây đã bị mục rỗng và gãy.
Nay tôi cảm thấy xót xa và luyến tiếc nếu như một ngày nào đó do không có sự chăm sóc rồi dần dần nó sẽ mục rỗng hết rồi chết, thì không biết đến bao giờ mới có thể trồng được một cây như vậy.
Hôm nay tôi viết thư này để trình lên Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét và giúp đỡ làng tôi, hãy cứu lấy cây cổ thụ của làng tôi. Chỉ có các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về cây cổ thụ lên tiếng thì các cấp, các ngành mới quan tâm và có phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của nó.
Một lần nữa thay mặt cho hàng nghìn người dân làng Đồng Bụt kính mong được sự quan tâm giúp đỡ của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Chúng tôi xin trân trọng cám ơn!
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012
TM. DÂN LÀNG ĐỒNG BỤT
Nguyễn Đình Đại
Lượt xem : 1800