Thu hút nguồn lực tài chính cho chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam
8/19/2022 5:56:00 AM
Để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì thách thức lớn nhất ở đây chính là nguồn lực tài chính thực hiện.
Bài toán chuyển đổi năng lượng “nóng” hơn bao giờ hết
Theo xu thế hiện nay, Việt Nam quyết tâm chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chuyển dịch năng lượng và từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính chính là quá trình căn bản để hướng tới tăng trưởng xanh, cũng như thực hiện các mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Số liệu từ Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 cho thấy, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Mặc dù vậy, tác động của biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu phát triển bền vững đang khiến cho bài toán chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tại COP26, Việt Nam đã cùng nhiều quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Cùng với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII. Đây là các văn bản định hướng quan trọng, mang tính thiết lập nền tảng cho một hệ thống năng lượng hiện đại, cơ cấu bền vững, có độ tin cậy cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, 2 mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung hạn và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; đảm bảo người dân và cả nền kinh tế có thể tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.
5 vấn đề then chốt thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện quốc gia trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Tại Hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết, thì vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố (CCDR) cho thấy, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng "0" có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử các bon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.
Bàn về các giải pháp thực hiện, bà Bích Ngọc đề xuất 5 vấn đề then chốt liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia;
Thứ hai, quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo;
Thứ ba, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân;
Thứ tư, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.
Thứ năm, trong quá trình triển khai chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.
Đề cập đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, 4 mục tiêu mới nhất mà Việt Nam đặt ra trong chuyển dịch năng lượng, bao gồm:
Thứ nhất, không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển các nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có.
Thứ hai, tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam.
Thứ ba, tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp như Hydro xanh, amoniac xanh.
Thứ tư, chuyển hạ tầng truyền tải và phân phối, nâng cấp khả năng kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia về vận hành an toàn, đủ khả năng hấp thụ tỷ trọng ngày càng lớn của năng lượng tái tạo.
Lan Anh
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1077