Vietnamese English
Thu 1.300 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng

11/23/2015 8:32:00 AM

Ngày 20/11, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang trở thành một nguồn tài chính ổn định khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng/năm.

Nguồn thu này giúp giảm áp lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp hàng năm 22-25%. Với mức chi trả trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349.000 hộ gia đình, cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc.


Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tới đây sẽ có nhiều cải thiện, lồng ghép nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch, công bằng và bền vững trong việc trả phí DVMTR tại các địa phương – theo Tiền Phong.

Hà Nội ô nhiễm bụi vượt giới hạn cho phép

Theo đó, số liệu về ô nhiễm khói, bụi do các chuyên gia đo được ở Hà Nội vào giờ cao điểm đều vượt giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Đó là thông tin vừa được Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) công bố. Hầu hết các vị trí nghiên cứu tại Hà Nội (ngoại trừ khu vực hồ Hoàn Kiếm) đã bị ô nhiễm bởi bụi TSP, PM10, Benzen. Một số vị trí khác có dấu hiệu ô nhiễm bởi NO2 và CO – theo Lao Động Thủ Đô.

Để hạn chế ô nhiễm, Vụ Môi trường đề xuất cần sớm tổ chức triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro3, Euro 4. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng mức tiêu thụ tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với xe ô tô đang lưu hành. Cùng với đó, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, Thành phố và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe máy.

1.500 thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu

Khoảng 1.500 thanh niên sẽ có mặt tại Cargo Event Space (Tp. Hồ Chí Minh) vào ngày 25/11 để tham gia Đêm hội nghệ thuật Hành động vì Khí hậu mang tên “Power Up”, do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cùng Phong trào toàn cầu về Biến đổi khí hậu (BĐKH) 350.org Việt Nam (Phong trào 350.org Việt Nam) phối hợp tổ chức - Theo Thế giới & Việt Nam đưa tin.

Tại Việt Nam, đây là sự kiện tiêu điểm hưởng ứng Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) COP21 sẽ được diễn tại Paris cuối tháng Mười Một tới. Sự kiện cũng được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu trong số hàng trăm sự kiện thuộc chương trình Global Climate March (tạm dịch: Tuần hành Toàn cầu vì Khí hậu), sẽ diễn ra đồng loạt tại hơn 100 quốc gia trong hai ngày 28- 29/11, nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Khánh Hòa vay 60 triệu USD “giải cứu” 9 vạn dân ngập úng

Ngày 20/11, tỉnh Khánh Hòa đã được thỏa thuận với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc WB cam kết cho vay thực hiện Dự án vệ sinh môi trường phía Bắc TP Nha Trang. Theo đó, dự này tập trung vào việc thu gom nước thải, khắc phục ngập úng, ô nhiễm môi trường ở lưu vực ven sông Cái… cho khoảng 90.000 người dân ở phía Bắc TP Nha Trang. Ước tính có gần 300 hộ phải tái định cư trong số khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án.

Theo dự thảo biên bản ghi nhớ, tổng mức đầu tư của dự án này là 72 triệu USD, trong đó 60,9 triệu USD vay từ WB, còn lại 11,1 triệu USD vốn đối ứng từ tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến đến tháng 4/2017, hiệp định tín dụng phát triển và tài trợ cho dự án sẽ được ký kết. Được biết, trong giai đoạn 2007 – 2014, WB cũng đã cho vay vốn để thực hiện việc chống ngập úng, xử lí nước thải, cải thiện môi trường… ở phía Nam Nha Trang – theo Theo Dân Trí.

TP HCM: Thêm 10.000 tỉ đồng chống ngập

UBND TP HCM vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với số vốn lên đến 10.000 tỉ đồng. Cụ thể, dự án này sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 7 km đê/kè ven sông từ Vàm Thuật đến Sông Kinh; 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối, thuộc địa bàn các quận - huyện: 1, 4, 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2018.

Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), TP HCM sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất (có thể sạch hoặc chưa bồi thường). Trong trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị hợp đồng dự án BT, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền phần còn lại. Theo UBND TP HCM, dự án này khi hoàn thành sẽ giúp kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trên diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP – theo Người Lao Động.

Hàng nghìn con rùa biển, tắc kè sấy khô vận chuyển vào Việt Nam

Ngày 20/11, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) vừa bắt giữ lô hàng động vật hoang dã được sấy khô, gồm: rùa biển khô, mai rùa khô, tắc kè nhập khẩu trái phép cập cảng Hải An – VnExpress cho biết.

Toàn bộ số hàng trên được đóng trong container loại 40 feet vận chuyển bằng tàu biển từ cảng Port Kealang (Malaysia) về cảng Hải An (Hải Phòng) ngày 4/11. Để qua mắt cơ quan chức năng, doanh nghiệp nước ngoài khai báo trên hồ sơ xuất nhập khẩu thông quan là các mặt hàng được chế biến từ dừa. Tuy nhiên, quá trình kiểm soát, hải quan Hải Phòng nghi ngờ lô hàng nói trên có vấn đề nên đã mở công hàng kiểm tra.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1951