Vietnamese English
Thông tin về nội dung cuộc họp của Hội đồng Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh Quốc gia ngày 08 tháng 12 năm 2016.

12/14/2016 7:39:00 AM

(VACNE) - GS. TSKH. Phạm Ngọc Đăng, đại diện của VACNE tại Hội đồng Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh Quốc gia vừa đưa tin về nội dung cuộc họp của Hội đồng ngày 08 tháng 12 năm 2016 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.

 

THÔNG TIN VỀ CUỘC HỌP CỦA HỘI ĐỒNG   

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

 ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

 

Là đại diện của VACNE tham gia Hội đồng phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh quốc gia, tôi xin thông tin về nội dung cuộc họp của Hội đồng ngày 08 tháng 12 năm 2016 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì như sau:

Cuộc họp đã thảo luận về 3 vấn đề chủ yếu sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/QĐCP/2015 về nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển kinh tế của nước ta.

Theo mục tiêu của Nghị quyết số 19 thì năm 2015 nước ta phải đạt được chỉ số năng lực cạnh tranh trung bình của ASEAN 6 (6 nước đứng đầu của ASEAN) và trong top 60 các nước trên thế giới. Đến năm 2020 phải đạt được chỉ số năng lực cạnh tranh trung bình của ASEAN 3 (3 nước đứng đầu của ASEAN).

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 thấy rằng sau khi ban hành Nghị quyết số 19 thì tất cả các Bộ/Ngành và gần hầu hết các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục các rào cản về thủ tục quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển kinh tế. Tuy vậy kết quả tính đến hết năm 2015, vị trí xếp hạng của nước ta đã được nâng cao thêm 9 bậc, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu trung bình của ASEAN 6, theo bảng xếp hạng của WB thì năng lực cạnh tranh của nước ta hiện nay ở thứ tự 90 trong các nước của thế giới, không đạt chỉ tiêu đề ra là phấn đấu đạt top 60.

2. Bàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay trên thế giới

Cần phải nhanh chóng tìm hiểu nội dung cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là gì? Tác động của nó đối với phát triển kinh tế của nước ta ra sao? Nước ta phải làm gì để nhanh chóng hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này để tránh sự tụt hậu ngày càng lớn hơn.

3. Trao đổi nhất trí về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nước ta không nên tự đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững riêng của nước mình, mà cần phải bám sát các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đặt ra để hòa nhập với thế giới và thực hiện lời cam kết của Chủ tịch nước ta tại cuộc họp Thượng đỉnh các nước trên thế giới năm 2015.

Theo sự khảo sát kế hoạch hành động thực hiện Agenda 2030 về phát triển bền vững của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thì bao gồm: 17 mục tiêu phát triển bền vững hoàn toàn giống như 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đặt ra và 115 chỉ tiêu cụ thể (trong khi Bộ chỉ tiêu của thế giới bao gồm 169 chỉ tiêu cụ thể). Có nghĩa là ta đã bỏ bớt một số chỉ tiêu cụ thể ít liên quan đến nước ta như là các chỉ tiêu cụ thể về bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới v.v…

Dưới đây nêu 17 mục tiêu phát triển bền vững của nước ta cũng như của thế giới là:

1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, gồm 4 chỉ tiêu cụ thể;

2. Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gồm 5 chỉ tiêu cụ thể;

3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi, gồm 9 chỉ tiêu cụ thể;

4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, gồm 8 chỉ tiêu cụ thể;

5. Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, gồm 8 chỉ tiêu cụ thể;

6. Bảo đảm đầy đủ và quản lý bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người, gồm 6 chỉ tiêu cụ thể;

7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người, gồm 4 chỉ tiêu cụ thể;

8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người, gồm 10 chỉ tiêu cụ thể;

9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới, gồm 5 chỉ tiêu cụ thể;

10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội, gồm 6 chỉ tiêu cụ thể;

11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng, gồm 10 chỉ tiêu cụ thể;

12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, gồm 9 chỉ tiêu cụ thể;

13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, gồm 3 chỉ tiêu cụ thể;

14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững, gồm 6 chỉ tiêu cụ thể;

15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất, gồm 8 chỉ tiêu cụ thể;

16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp, gồm 9 chỉ tiêu cụ thể;

17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững, gồm 5 chỉ tiêu cụ thể.

Như vậy, chương trình Nghị sự PTBV của nước ta gồm 17 mục tiêu và 115 chỉ tiêu cụ thể.

Kết quả hình ảnh cho Hội đồng Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh Quốc gia

 

 

Văn phòng VACNE

Lượt xem : 1483