Vietnamese English
Thông thiên là cây độc

11/11/2020 3:23:00 PM

(VACNE) - Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú. Về thực vật, ngoài những cây có ích nói chung, cây làm thuốc,… còn có khá nhiều cây độc, trong đó có cây Thông thiên

Cây Thông thiên, tên khoa học là Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum., họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ, đã nhập vào Việt Nam khoảng 100 năm nay, hiện được trồng khá phổ biến ở nhiều nơi như trong khuân viên các công sở, vườn hoa, vườn gia đình, hoặc ven đường để làm cảnh, vì có dáng cây và hoa đẹp.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao 3-4m, cành có nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Lá nguyên, mọc so le, hình mũi mác hẹp, dài 8-15cm, rộng khoảng 7-10mm, gân giữa nổi rõ, cuống lá dải 2-3mm. Hoa to hình phễu, màu vàng tươi, tụ họp thành xim ngắn ở kẽ lá gần đầu cành, 5 cánh hoa dính nhau ở phía dưới thành ống ngắn, 5 nhị đính ở họng tràng. Quả hạch, dài 3-5cm, có hình dạng đặc biệt, hơi chia thành 4 múi. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng. Mùa hoa tháng 4-6, quả tháng 8-10.

thongthien

Hình 1: Cây Thông thiên (nguồn: Internet)

Thành phần hóa học: Chất độc có trong toàn  cây Thông thiên,  đặc  biệt  trong  hạt.  Hạt Thông thiên chứa 40-50% dầu béo và các glucosid độc với tim như thevetin A và B, peruvosid, thevebiosid, theveneriin, neriifolin, vv. Lá Thông thiên cũng chứa các glucosid tim và các triterpenoid, iridoid.

Tác dụng: Thông thiên là cây độc, nhưng các hoạt chất trong cây này như thevetin, với liều nhỏ, có thể được dùng làm thuốc cường tim, điều trị các trường hợp suy tim theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Với liều cao, chất độc trong cây Thông thiên lại gây ngộ độc, làm truỵ tim mạch, không đo được huyết áp, rối loạn nhịp tim và cuối cùng làm tim ngừng đập.

Để giải độc và điều trị, trước hết cần rửa dạ dày để loại bỏ chất gây độc ra khỏi cơ thể. Chữa triệu chứng bằng cách tiêm dưới da atropin liều cao (0,5-1mg). Nếu nhịp tim vẫn chậm thì sau  1-2 giờ có thể tiêm lần thứ hai (với liều như trên). Sau đó phải đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cứu chữa.

Trong dân gian, người ta giã lá và hạt Thông thiên, ngâm với nước, thêm xà phòng, để làm thuốc diệt rệp, sâu bọ hại cây.

Thông thiên là cây cảnh đẹp nhưng có chất độc, do đó không nên trồng cây này cạnh các nguồn nước ăn như giếng nước, bể nước… vì lá, hoa, quả của nó rụng xuống làm nhiễm độc nước.

Chú ý

1. Gần đây, một số bài trên các báo mạng (http://vietq.vn,  http://baomoi.com,  http://nghean24h.vn) đã có sự nhầm lẫn cây Thông thiên với cây Huỳnh liên (Tecoma stans (L.) Juss. ex Kunth, họ Núc nác - Bignoniaceae), thường được trồng làm cảnh ở nhiều thành phố Miền Nam). Bài viết về cây Huỳnh liên nhưng nội dung (tên khoa học, hoạt chất, hình ảnh…) lại là cây Thông thiên! Bài báo viết “Cây Huỳnh liên có hoa màu vàng cực đẹp được nhiều nơi trồng làm cảnh nhưng ít ai biết rằng đây cũng thuộc loài cây độc nguy hiểm với con người”. Thực ra, cây Huỳnh liên không độc và còn được dùng làm thuốc.

IMG_2704

Hình  2: Cây Huỳnh liên (nguồn: T.C. Khánh)

2. Cũng trên báo mạng, có bài còn nhầm lẫn cây Thông thiên với cây Trúc đào (Nerium oleander L.). Người viết gọi là “Trúc đào hoa vàng” (http://blogcaycanh.vn). Cây Trúc đào tuy cùng họ với cây Thông thiên, nhưng khác chi, vừa là cây thuốc, vừa là cây độc. Trúc đào là một cây bụi nhỡ, cao 3-4m, lá mọc vòng, hoa màu hồng, hoặc đỏ (không có hoa màu vàng!). Toàn cây Trúc đào có chất độc. Đặc biệt, lá chứa 0,5% glycosid độc với tim, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin).

Trúc đào

Hình 3: Cây Trúc đào (nguồn: T.C. Khánh)

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem : 2493