Vietnamese English
Thông điệp từ Báo cáo Phát triển Thế giới 2010

11/5/2009 5:25:00 AM

ThienNhien.Net - Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ này, ảnh hưởng tới tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Không một quốc gia nào có thể đơn lẻ đối phó những thách thức mà biến đổi khí hậu mang lại. Bản báo cáo Phát triển 2010 vì thế đã kêu gọi toàn cầu chung tay hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Nếu thế giới hành động ngay lập tức, hành động cùng nhau và hành động theo cách khác, thế giới sẽ có cơ hội tạo lên một “tương lai khí hậu” thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa toàn diện, an toàn và bền vững.



Biến đổi khí hậu đe dọa tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia đang phát triển. (Ảnh: Carbonfund.org)


Biến đổi khí hậu đe dọa tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia đang phát triển. Theo ước tính, các quốc gia đang phát triển sẽ phải chịu từ 75 – 80% thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra. Chỉ cần nhiệt độ tăng 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức tối thiểu mà thế giới có thể sẽ phải trải qua, GDP của các quốc gia Châu Phi và Nam Á sẽ phải gánh chịu một mức suy giảm vĩnh viễn từ 4-5%.

Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều thiếu tiềm lực tài chính và kỹ thuật để ứng phó và kiểm soát những nguy cơ của biến đổi khí hậu. Thu nhập và phúc lợi của người dân các nước này cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn nhạy cảm trước những biến động của khí hậu. Thêm vào đó, hầu hết các nước này đều nằm trong khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới, nơi khí hậu vốn hay thay đổi bất thường.

Tăng trưởng kinh tế một cách đơn thuần không thể đẩy lùi những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, đặc biệt nếu còn duy trì nền kinh tế phát thải cacbon cao. Do đó, các chính sách về khí hậu không thể bị xem như một lựa chọn giữa tăng trưởng và biến đổi khí hậu. Một chính sách khí hậu hiệu quả phải vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm thiệt hại từ biến đổi khí hậu, vừa phải hỗ trợ tài chính cho việc dịch chuyển dần sang hướng phát triển phát thải ít các-bon.

Một thế giới với “chính sách khí hậu thông minh” hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta nếu chúng ta hành động ngay lập tức, hành động cùng nhau và hành động theo cách khác.

Hành động ngay lập tức

Hành động ngay lập tức là một yêu cầu bức thiết, nếu không chúng ta sẽ đánh mất cơ hội, và tốn kém chi phí hơn khi thế giới đi theo con đường phát triển phát thải các-bon cao, kết hợp với hành trình nóng lên không thể cưỡng lại của Trái đất. Những gì chúng ta làm hôm nay quyết định khí hậu ngày mai và những lựa chọn hôm nay sẽ tạo nên tương lai của chúng ta.

Biến đổi khí hậu đang làm tiêu tan những nỗ lực nâng cao mức sống của người dân và nỗ lực hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ. Mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp - điều tốt nhất thế giới có thể làm hiện nay – đã đòi hỏi một cuộc cách mạng năng lượng thực sự. Thế giới cần nhanh chóng triển khai những công nghệ tiết kiệm năng lượng, xả thải ít các-bon, đồng thời đầu tư lớn vào thế hệ công nghệ mới hướng tới nền kinh tế tăng trưởng ít các-bon.

Thế giới cũng cần gấp rút hành động để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tới con người, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái hiện tại, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những biến đổi dữ dội hơn trong tương lai.

Hành động cùng nhau

Chung tay hành động là điểm mấu chốt giúp giảm chi phí và thực hiện có hiệu quả cả hoạt động thích nghi và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Quá trình này cần được khởi động ngay từ các quốc gia thu nhập cao. Các nước này cần có những biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm lượng khí thải. Việc này sẽ “giải phóng không gian ô nhiễm” cho các quốc gia đang phát triển, và quan trọng hơn, nó sẽ đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ.

Cùng chung tay hành động cũng giúp tạo ra một thị trường chứng chỉ các-bon đủ lớn và ổn định. Những động thái này là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các quốc gia đang phát triển chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải ít các-bon mà vẫn gia tăng năng lượng cần thiết cho quá trình phát triển.

Hành động cùng nhau có vai trò sống còn để thúc đẩy phát triển trong điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn khi những nguy cơ từ biến đổi khí hậu vượt quá tầm kiếm soát của loài người.

Sự hỗ trợ của các quốc gia và cộng đồng quốc tế là rất cần thiết để bảo vệ những khu vực dễ tổn thương nhất thông qua các chương trình hỗ trợ xã hội, thúc đẩy hoạt động chia sẻ rủi ro, trao đổi kiến thức, công nghệ và thông tin.

Hành động theo cách khác

Hành động theo cách khác trước là rất cần thiết nhằm đảm bảo một tương lai bền vững trong một thế giới đang thay đổi, vì chúng ta không thể lên kế hoạch cho tương lai dựa trên những đặc điểm khí hậu trong quá khứ.

Trong vài thập kỷ tới, hệ thống năng lượng toàn cầu cần được thay đổi nhằm giảm mức phát thải xuống 50 đến 80%. Cơ sở hạ tầng cần được xây dựng để chống chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Để nuôi sống thêm 3 tỷ người mà không tạo thêm sức ép đối với hệ sinh thái vốn đã suy thoái, thế giới cần gia tăng sản lượng nông nghiệp và hiệu quả sử dụng nguồn nước.

Chỉ có một cơ chế quản lý phối hợp ở quy mô lớn, lâu dài và một kế hoạch linh hoạt mới có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho lương thực, năng lượng sinh học, thủy điện và các dịch vụ sinh thái mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và duy trì trữ lượng các-bon trong đất và rừng.

Một chiến lược phát triển kinh tế xã hội hiệu quả phải dự tính được những bất trắc và nâng cao khả năng thích nghi với viễn cảnh phức tạp của khí hậu trong tương lai chứ không chỉ giải quyết một cách “tối ưu” những vấn đề khí hậu hiện tại.

Một chính sách hiệu quả phải bao gồm chiến lược phát triển có quy hoạch cùng các kế hoạch thích nghi và giảm nhẹ hợp lý xây dựng trên nền nguồn lực hạn chế về con người, tài chính và tài nguyên.

Một thỏa ước toàn cầu bình đẳng và hiệu quả về khí hậu

Một thỏa ước toàn cầu bình đẳng và hiệu quả về khí hậu là rất cần thiết. Thỏa ước ấy sẽ chỉ ra những nhu cầu và khó khăn của các quốc gia đang phát triển, sẽ hỗ trợ họ về tài chính và công nghệ để ứng phó với những thách thức ngày càng tăng của quá trình phát triển. Thỏa ước ấy cũng đồng thời xây dựng cơ chế phân biệt rõ ràng đối tượng cần các biện pháp giảm nhẹ và đối tượng phải trang trải các chi phí đó.

Trước đây chính các quốc gia phát triển tạo ra phần lớn khí thải và có lượng phát thải đầu người cao hơn. Những nước này phải đi đầu bằng cách giảm đáng kể lượng các-bon, khuyến khích các nghiên cứu “xanh”. Tuy nhiên hầu hết lượng phát thải trong tương lai của thế giới lại được tạo ra tại các nước đang phát triển. Những quốc gia này cần có được hỗ trợ về tài chính, công nghệ để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khoản tài chính hiện đang dùng để thích nghi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu thấp hơn 5% mức dự tính cần có hàng năm vào năm 2030, tuy nhiên sự thiếu hụt này vẫn có thể rút ngắn được nhờ đổi mới cơ chế quản lý tài chính.

Thay đổi ý thức công dân - chìa khóa thành công

Mỗi cá nhân, với tư cách là một công dân, một người tiêu dùng, sẽ quyết định tương lai của Trái đất. Mặc dù hiện đã có rất nhiều người nhận thức được tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tin rằng con người cần phải hành động để chống lại biến đổi khí hậu, tuy nhiên không mấy người coi đó là nhiệm vụ ưu tiên và đó là lý do khiến họ không thành công ngay cả khi có cơ hội.

Do đó, thách thức lớn nhất trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu chính là thay đổi hành vi và thể chế, đặc biệt ở các nước có thu nhập cao. Những thay đổi trong chính sách công – từ địa phương, vùng, quốc gia và toàn cầu là rất cần thiết để thu hút các hoạt động đối phó với biến đổi khí hậu từ chính người dân.

Thanh Hoa (Theo World Bank, 15/09/2009)

(Thiennhien Net, 5/11/2009)

Lượt xem : 1830