Vietnamese English
Thiết lập công viên hòa bình trên biển Trường Sa – một ý kiến đáng quan tâm

1/26/2016 9:16:00 PM

(VACNE:25/1/2016): Mới đây, trên Tia sáng có đăng bài viết của các tác giả Dư Văn Toán (*) và Vũ Hải Đăng (**), đề xuất ý kiến về việc thiết lập công viên hòa bình tại quần đảo Trường Sa, ban biên tập Website của Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng: đây là ý kiến hay, xin tóm lược và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Theo tác giả bài viết: Công viên hòa bình trên biển (MPP) là sáng kiến hoà bình cho các vùng biển đang có mẫu thuẫn xung đột của các quốc gia láng giềng dựa trên mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển, bảo vệ duy trì tính đa dạng sinh học, san hô xuyên biên giới theo chuẩn mực đa công ước quốc tế UNCLOS, CBD, RAMSAR, UNESCO, do các nhà khoa học Mỹ đề xuất, được triển khai từ năm 1994.

 

Đây là sáng kiến còn khá mới trên thế giới giúp các quốc gia đang đối đầu tại Trung Đông là Israel và Jordan cùng quản lý tài nguyên vùng bờ và hệ sinh thái san hô. Tiếp đến là phương án MPP Korea (năm 2007), cùng hàng loạt nghiên cứu đề xuất tám khu MPP tại Địa Trung Hải (năm 2011) và các phương án đề xuất lý thuyết, triển vọng MPP cho khu vực quần đảo Trường Sa.

 

Theo định nghĩa, công viên biển hòa bình (MPP) là một dạng khu bảo tồn thiên nhiên liên quốc gia (transboundary marine protected area-TBMPA) được chính thức dành riêng cho việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa có liên quan để thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế trên biển, hải đảo tại những nơi còn có xung đột, mâu thuẫn về chính trị và ranh giới biển. Tài nguyên hải sản và các hệ sinh thái biển di cư xuyên biên giới và khả năng bị tổn thương, suy thoái sinh cảnh có liên quan mật thiết với nhau, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia. Khu bảo tồn biển liên quốc gia (TBMPA) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), bao gồm hai hay nhiều hơn khu bảo tồn thiên nhiên trên biển (marine protected area-MPA) nằm trên các vùng biển thuộc các quốc gia lân cận nhau. Các khu bảo tồn biển MPA của từng quốc gia do luật pháp các quốc gia quy định. Tại Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước bảo tồn Đa dạng sinh học năm 2010, các bên đã cam kết sẽ thiết lập các khu bảo tồn biển MPA trên thế giới năm 2020 trên 10% diện tích toàn đại dương thế giới.

 

Sau khi giới thiệu hiện trạng và lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch, văn hóa và góp phần bảo vệ sự ổn định, từ một số mô hình MPP trên thế giới, tác giả đã đề xuất xây dựng MPP tại Quần đảo Trường Sa.

 

Lợi ích của công viên hòa bình Trường Sa

 

Việc thiết lập một công viên hòa bình tại Trường Sa sẽ đem lại các lợi ích quan trọng về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì nguồn lợi hải sản và góp phần giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác giữa các bên yêu sách quần đảo Trường Sa:

 

Bảo tồn đa dạng sinh học: Vùng biển quần đảo Trường Sa có rạn san hô rất đa dạng với khoảng 382 loài san hô cứng thuộc 70 giống, 15 họ đã được tìm thấy ngang bằng với số lượng loài phát hiện được trên toàn dải ven biển Việt Nam và bằng khoảng 1/2 số loài san hô trên toàn thế giới [10]. Vì vậy, có nhà nghiên cứu nước ngoài đã ví san hô biển Trường Sa giống như một khu rừng rậm nhiệt đới. Đồng thời, đây cũng là khu vực có các rạn san hô dạng vòng (atoll reef) rất đặc trưng mà vùng biển ven bờ không có do môi trường nước trong sạch, chất đáy phù hợp, nhiệt độ ổn định.

 

Duy trì các nguồn lợi hải sản của Biển Đông: Theo John McManus [3], Giáo sư về sinh học biển và nghề cá của trường Đại học Miami, Hoa Kỳ, quần đảo Trường Sa đóng vai trò như một “ngân hàng tài nguyên” đối với tài nguyên sinh vật của Biển Đông. Có gần 600 loài cá sinh trưởng vùng biển sâu từ 40 m – 50 m ở chân các rạn san hô ở Trường Sa, trong đó có nhiều giá trị kinh tế cao như cá mú, cá hồng, cá hè, cá bò,…. Các loài cá này sẽ theo thủy triều được phân tán tới vùng biển ven bờ của các nước ven Biển Đông như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, và Indonesia trước khi quay trở lại quần đảo này. Với tình trạng khai thác hải sản quá mức ở các vùng biển ven bờ Biển Đông như hiện nay, việc bảo tồn, gìn giữ quần đảo Trường Sa như một vùng sinh trưởng và phát triển của các loài cá sẽ góp phần tái tạo các nguồn hải sản của Biển Đông.

 

Giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác. Như định nghĩa MPP đã trình bày ở trên, một trong những tác dụng chính của công viên hòa bình trên biển là nhằm thúc đẩy hợp tác và hòa bình trong các khu vực đang có tranh chấp biển, đảo. Về mặt chính trị - ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một lĩnh vực được coi là ít nhạy cảm, không liên quan gì đến việc khai thác tài nguyên nên thường dễ được các quốc gia liên quan chấp nhận hơn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2012, theo đó bảo vệ môi trường là lĩnh vực hợp tác đầu tiên mà các bên có thể xem xét thực hiện trong lức chờ giải quyết dứt điểm và hoàn toàn các tranh chấp trên Biển Đông (Điều 6). Hiện nay, khi các quốc gia tham gia ký kết DOC đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện DOC thì xây dựng công viên hòa bình trên biển MPP ở Trường Sa là công việc cần thiết và khả thi, trước khi thiết lập được các cơ chế phân định biển, đảo khác.

 

Một số khó khăn

 

Quá trình thiết lập công viên hòa bình ở Trường Sa có thể gặp một số khó khăn về các mặt pháp lý, chính trị và kinh tế-xã hội:

 

Về pháp lý. Hiện nay các bên có yêu sách đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa thống nhất được phạm vi của quần đảo này. Ví dụ các bên vẫn chưa thống nhất được liệu khu vực bãi Cỏ Rong có thuộc Trường Sa không. Lập trường của Philippines thì coi bãi Cỏ Rong không phải là một bộ phận của quần đảo Trường Sa mà thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, lập trường của các bên khác về khu vực này thì lại chưa thực sự rõ ràng; bên cạnh đó, các bên cũng chưa thống nhất được chế độ pháp lý của các thực thể trên Biển Đông: thực thể nào là đảo, thực thể nào là đảo đá và thực thể nào là bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Cuối cùng là sự không đồng nhất về số lượng thực thể yêu sách giữa năm nước, sáu bên cũng là một trở ngại quan trọng cho việc tìm ra một khu vực hợp tác thiết lập công viên hòa bình.

 

 


Tám MPP đề xuất tại Địa Trung Hải

 

Về chính trị. Do tình hình tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin chiến lược, làm suy giảm đi quan hệ giữa các quốc gia ven Biển Đông. Chính vì thế, khả năng thúc đẩy hợp tác trong các khu vực có tranh chấp có khả năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, do hiện nay Trung Quốc vẫn đang chưa kết thúc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo nên rất khó để quốc gia này chấp nhận tham gia bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào có thể dẫn đến việc hạn chế việc Trung Quốc thay đổi môi trường sống ở Trường Sa.

 

Về kinh tế - xã hội. Việc thiết lập công viên hòa bình ở quần đảo Trường Sa có thể dẫn đến việc hạn chế hoạt động của hai ngành kinh tế biển quan trọng trên Biển Đông là khai thác hải sản và giao thông hàng hải. Cụ thể, các biện pháp bảo tồn được áp dụng trong công viên hòa bình ở quần đảo Trường Sa có thể làm hạn chế hoạt động đi qua khu vực này của tàu thuyền, đặc biệt là các tàu có trọng tải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (như các tàu container, tàu chở dầu,…) và hạn chế hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân xung quanh Biển Đông tại đây. Điều này có thể khiến cho các công ty giao thông vận tải biển và ngư dân hoạt động tại Trường Sa không ủng hộ việc thiết lập công viên hòa bình tại đây.

 

Để thực hiện MPP trên vùng biển Trường Sa, Việt Nam cùng các quốc gia đang chiếm giữ các đảo Trường Sa cần thúc đẩy hợp tác thực hiện bảo tồn thiên nhiên tại khu vực quần đảo Trường Sa; hoạch định, tổ chức và triển khai nghiên cứu cơ sở khoa học cho các phương án/kịch bản MPP cho tiểu vùng với từng quốc gia, phương án đa quốc gia và tổng thể quần đảo Trường Sa làm cơ sở cho lồng ghép trong đàm phán ngoại giao song phương và đa phương về các giải pháp hoà bình cho Biển Đông; xem xét nghiên cứu đề xuất thí điểm thiết lập MPP với các quốc gia ASEAN khác có yêu sách ở Trường Sa là Philippines, Malaysia, và Brunei. Khi lập xong MPP ASEAN, các nước sẽ có kinh nghiệm vững chắc để đàm phán mở rộng ranh giới MPP ở các vùng biển khác; đưa sáng kiến MPP vào các nội dung thảo luận trên các diễn đàn ngoại giao, quốc phòng, môi trường, đa dạng sinh học; và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm nghiên cứu thành công về MPP như NOAA, KMI, cùng các bộ ngành Israel, Jordan, Hàn Quốc, Triều Tiên; các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển quốc tế. /.


(*) Viện Nghiên cứu biển và hải đảo


(**) Học viện Ngoại giao

VP VACNE tổng hợp

Lượt xem : 3548