Vietnamese English
Thiền trong Bảo vệ Môi trường. Bài 1. Con người xã hội và con người tự nhiên

10/27/2012 7:28:00 PM

Có hai con người trong mỗi một con người: con người xã hội và con người tự nhiên. Sự hủy hoại môi trường là do con người xã hội gây ra để rồi ngược lại, con người phải gánh chịu những phản ứng của chính sự suy thoái môi trường do mình gây ra

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
 
Hành trình tiến hóa từ con người tự nhiên lên con người xã hội
1.Con người sinh ra từ thiên nhiên và vốn dĩ được thừa kế rất nhiều bản năng sống từ tổ tiên động vật của mình. Tuy nhiên sự khác biệt và tiến hóa rất nhanh của con người gắn liền với cuộc sống thành xã hội, phải lao động, phải tích lũy của cải, và do đó phải học tập, phải phát triển khoa học công nghệ, phải giáo dục đào tạo, phải phát triển ngôn ngữ văn học nghệ thuật luật pháp,…Vỏ đại não hình thành và phát triển, dần che lấp trung tâm thần kinh vốn được thừa kế từ tổ tiên động vật.
“Trong ý thức của chúng ta có một vùng đất hoang chưa được khai phá hoàn toàn và triệt để. Cái đó thường được gọi là Vô thức hay Tiềm thức. Vô thức là kho chứa đủ huyền năng bí lực. Sự thức tỉnh Vô thức thông thường được gọi là Ngộ, có được nhờ tham quán những lời nói và việc làm trào ra thẳng từ chỗ sâu kín không bị trí thức và tưởng tượng che mờ,… (Suzuki, D.T) [i]
Chỉ có điều là nhờ cái gọi là vô thức, tổ tiên động vật của chúng ta luôn sống hài hòa với thiên nhiên và do đó phụ thược nhiều vào thiên nhiên, còn con người thì có những công cụ nhận thức để chống lại thiên nhiên để không còn hoàn toàn phụ thược vào thiên nhiên. Khả năng này dẫn đến chỗ con người coi mình là chúa tể của thiên nhiên, tiến đến giai đoạn cưỡng hiếp thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên bằng chính khả năng khoa học và công nghệ của mình. Trên ngôi vj chúa tể đó, loài người là loài trở nên cô đơn nhất vì không thể chung sống hòa bình với các loài anh em khác. Và như là một kết quả của cuộc sống xã hội loài người, hình thành các cách ứng xử man rợ với thiên nhiên và với nhau, dè bỉu nói xấu nhau, gây chiến tranh chém giết tàn sát lẫn nhau chỉ vì tranh nhau rằng cái tôi nghĩ là đúng còn cái anh nghĩ là sai, rằng mặc quần thì văn minh hơn cởi truồng (như mấy dân tộc ở Indonesia hay châu Phi, châu Mỹ hiện nay vẫn không thích mặc quần áo), rằng thắt cà vạt trên cổ thì văn minh hơn thắt cà vạt đít (tức đóng khố nói theo kiểu người Ba Na Tây Nguyên). Đấy là sự trả giá mà con người xã hội phải gánh chịu. Đáy là cội nguồn của stress, tự kỷ, nổi loạn, điên cuồng, tự tử, hoài nghi, đau buồn, thất vọng v.v…đang đè nặng lêm kiếp người.
2,Trong cuốn sách Nhập môn Xã hội học của Tony Bilton và đồng tác giả, (bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1993) ở trang 34, có trích dẫn một luận điểm của Peter L. Berger về con người xã hội như sau :
"Xã hội thâm nhập vào chúng ta, đồng thời bao trùm lấy chúng ta. Sự ràng buộc của chúng ta vào xã hội được thiết lập nhờ sự chinh phục không nhiều bằng sự câu kết... Chúng ta bị mắc vào cái bẫy của cái bản chất mang tính xã hội của chính chúng ta. Những bức tường của cái nhà tù giam hãm chúng ta đã có sẵn ở đấy trước khi chúng ta xuất hiện trên sân khấu [cuộc đời], và chúng còn được chính chúng ta không ngừng tái thiết. Chúng ta bị đối xử như trong tù bởi chính sự hợp tác của chúng ta” [ii].
3. Tái lập lại một phần cách ứng xử (hợp lý và cần thiết) của con người thiên nhiên để cân bằng với cái phần con người xã hội là cách duy nhất khả thi để cứu vãn chính loài người và môi trường. Biện pháp nào để tái lập khả năng đó? Đó chính là và chỉ là Thiền


Thiên nhiên, cuộc sống thực tại chính là thiền
 “Thiền không phải là tôn giáo cũng không phải là phép tu luyện thần thông, mặc dù nhiều bậc thiền sư kiên trì công phu rèn luyện đã có những năng lực siêu phàm. Thiền thực chất là một nghệ thuật đi vào đời sống mọi người” (Thích Đức Thiện lời tựa cuốn “Thiền là gì”) [iii]
 
Vậy “Thiền là gì và có vai trò gì trong Bảo vệ Môi trường” sẽ là nội dung bàn luận của bài 2 và những bài tiếp theo.


[i] Suzuki, D.T. Thiền luận. Nxb Tổng hợp, TP HCM, 2005
[ii] (Peter L. BERGER, Invitation to Sociology - A Humanistic Perspective, Harmondsworth, Penguin Books, 1969, p. 141). ." (Society penetrates us as much as it envelops us. Our bondage to society is not so much established by conquest as by collusion... we are entrapped by our own social nature. The walls of our imprisonment were there before we appeared on the scene, but they are ever rebuilt by ourselves. We are betrayed into captivity with our own co-operation)
[iii] Phạm Thị Ngọc Trâm. Thiền là gì? Nxb VHTT, Hà Nội, 2004
 
 

Lượt xem : 1238