Vietnamese English
Thiên tai gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng mỗi năm

11/30/2015 7:55:00 AM

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới do các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, lốc, sạt lở đất và hạn hán.

Trong 20 năm qua, trung bình hàng năm, Việt Nam có khoảng 649 thiên tai xảy ra, gây thiệt hại kinh tế khoảng 0,9% GDP, ước tính gần 40.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2009-2013, trung bình mỗi năm, ngân sách chi khoảng 11.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.



 
Khoản kinh phí này chỉ đảm bảo hỗ trợ 30% tổng giá trị thiệt hại và chủ yếu dùng để cứu trợ khẩn cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái thiết – theo An Ninh Thủ Đô.

Kiên Giang kiến nghị hỗ trợ 36 tỷ đồng chống khô hạn, xâm nhập mặn

Tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 36,3 tỷ đồng để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016. Theo kiến nghị, nguồn kinh phí này tập trung đầu tư nạo vét những kênh thủy lợi trọng yếu để trữ nước ngọt; sửa chữa, nâng cấp các công trình cống ngăn mặn, giữ ngọt; mua máy bơm, nhiên liệu phục vụ công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn trên ba vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng – theo Vietnamplus.vn.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn biến hết sức phức tạp trong mùa khô 2015-2016, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Cùng với đó, tỉnh đề nghị các địa phương chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn thủy lợi phí và Nghị định 42 năm 2016 triển khai thực hiện công tác phòng chống hạn, mặn. Trước mắt, quản lý vận hành hệ thống cống thủy lợi phù hợp với thực tế từng vùng, tiểu vùng sản xuất, đắp đập và gia cố, bồi trúc đê bao ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo nguồn nước tưới cho 305.000 ha lúa Đông Xuân 2015-2016. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2015 sớm hoàn thành đưa vào khai thác, tạo nguồn nước tưới cho sản xuất.

Thiên tai tàn phá châu Á nặng nề nhất

So với các châu lục khác, châu Á là khu vực bị thiên tai tàn phá kinh hoàng nhất trong giai đoạn 1995-2015: hơn 332.000 người chết, 3,7 tỉ người chịu ảnh hưởng bởi những thảm họa liên quan đến thời tiết (lũ lụt, bão, hạn hán, động đất và sóng thần). Đó là thông tin trong báo cáo được Cơ quan Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR) công bố trước thềm hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), dự kiến diễn ra tại Pháp tuần tới – theo Người Lao Động.

Nếu tính trên toàn thế giới, những thảm họa loại này đã khiến 606.000 người thiệt mạng, khoảng 4,1 tỉ người bị thương, trở thành kẻ vô gia cư hoặc trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Trong đó, lũ lụt được xem là mối đe dọa thường trực nhất cho con người, chiếm tỉ lệ đến 47%. Tuy nhiên, bão lốc mới là thảm họa chết chóc nhất khi cướp đi sinh mạng của 242.000 người.  Cũng theo báo cáo, Mỹ là nước xảy ra nhiều thảm họa liên quan đến thời tiết nhất (472 vụ). Đứng ngay sau Mỹ là 4 nước châu Á: Trung Quốc (441 vụ), Ấn Độ (288 vụ), Philippines (274 vụ) và Indonesia (163 vụ).  Mỗi năm, những thảm họa này khiến kinh tế thế giới thiệt hại trung bình 250-300 tỉ USD. Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ  gia tăng thiên tai trong thời gian tới do biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP-21 về biến đổi khí hậu chính thức khai mạc tại Pháp

Vào hồi 17h00 chiều 29/11 (0 giờ sáng 30/11 giờ Việt Nam), Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) đã bắt đầu khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp. Hội nghị đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11 vừa qua – TTXVN đưa tin.

Sau một phút mặc niệm, các cuộc thảo luận đã bắt đầu với bài phát biểu của Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vidal, người điều hành các phiên thảo luận của hội nghị hồi năm 2014, trong đó nhấn mạnh một thỏa thuận về khí hậu là phương thức tốt nhất để vượt qua nỗi kinh hoàng sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua.

Khối Thịnh vượng chung lập quỹ 1 tỷ USD ủng hộ môi trường

Tại Hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Malta ngày 27/11, Khối Thịnh vượng chung quyết định lập quỹ hỗ trợ tài chính Xanh trị giá 1 tỷ USD nhằm ủng hộ cho các dự án môi trường của khối. Quỹ dự định sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm 2016. Nguồn đóng góp cho quỹ bao gồm phần góp của các nước thành viên, nguồn thu từ bán trái phiếu "xanh," loại trái phiếu được dành riêng để huy động tiền cho các chương trình khí hậu. Theo số liệu của năm 2013, về dân số Khối Thịnh vượng chung chiếm một phần ba dân số thế giớ và, về kinh tế, chiếm 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Ngày 27/11, tại cuộc họp thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung diễn ra tại Malta, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này sẽ đóng góp 2,65 tỷ USD trong vòng 5 năm (từ năm 2016-2021) cho quỹ chống biến đổi khí hậu Liên hợp quốc nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Theo phóng viên TTXVN tại Canada, số tiền trên sẽ dành để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế ít khí thải carbon và ưu tiên cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương.

Tuần hành lớn tại nhiều nước kêu gọi bảo vệ Trái Đất

Hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu tại nhiều nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP21) dự kiến bắt đầu tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 29/11. Các cuộc tuần hành diễn ra tại Autralia, Bangladesh, Nhật Bản, New Zealand và Phillippines cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của biến đổi khí hậu đối với Trái Đất cũng như sự sống tại nhiều vùng đất nhạy cảm. Tại Philippines, khoảng 3.000 người, trong đó bao gồm nhiều thành phần tôn giáo, sinh viên và các nhà hoạt động môi trường đã tuần hành qua nhiều đường phố trong thủ đô Manila, yêu cầu hạn chế các loại khí thải, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến thảm họa thiên nhiên.

Tại Australia, khoảng 5.000 người đã tập trung tại thành phố Brisbane, ở Đông Bắc nước này, tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu, với thông điệp kêu gọi hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách chuyển sang sử dụng nhiên liệu tái tạo. Dự kiến sẽ có hàng trăm nghìn người đổ xuống nhiều đường phố tại các thành phố ở châu Á, thậm chí cả Johannesburg, Endinburgh, hay Seoul (Hàn Quốc), Rio de Janeiro (Brazil), New York (Mỹ) và Mexico City (Mexico) tham gia vào các cuộc tuần hành tương tự để phản đối biến đổi khí hậu do con người gây ra – theo TTXVN.

NASA dự kiến dùng 200 vệ tinh để phát hiện cháy rừng, hoạt động từ năm 2018

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ( NASA) vừa công bố một dự án mang tên FireSat nhằm đưa ra những cảnh báo sớm nhất khi có cháy rừng, trước tình trạng thiên tai này đang hoành hành trên khắp thế giới. FireSat thực chất là một mạng lưới bao gồm 200 vệ tinh được trang bị cảm biến nhiệt, bao quanh toàn bộ quả địa cầu. Các cảm biến này có khả năng phát hiện lửa khi chúng lan rộng ở bán kính khoảng 11 - 15 mét trong vòng 15 phút kể từ khi bắt đầu bùng lên. Nhờ mạng lưới này, NASA hy vọng họ có thể theo dõi được các vụ cháy rừng, nổ hoặc tràn dầu.

Ngoài ra, hệ thống FireSat cũng có thể gửi hình ảnh của ngọn lửa mỗi phút một lần, nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất về những gì đang diễn ra ở khu vực hỏa hoạn (hiện nay, vệ tinh chụp một đám cháy 2 lần trong một ngày). Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, FireSat sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2018 – theo Tinhte.
 
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2029