Thiên tai gây thiệt hại 3,3 tỉ USD
1/8/2016 3:25:00 PM
Trong 5 năm qua, thiên tai tại nước ta đã làm 1.128 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất 3,3 tỷ USD. Sáng 8/1, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai năm 2015 và 5 năm 2011-2015; kế hoạch công tác năm 2016, định hướng 2016-2020. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Theo Người Lao Động, trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và sạt lở đất; 60 người chết do lốc, sét, không có người chết do bão; 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 445.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thuỷ lợi bị sạt lở, bồi lấp. Ước tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỉ đồng.
Tính chung trong 5 năm qua, thiên tai đã khiến 1.128 người chết và mất tích (trung bình mỗi năm có 226 người chết và mất tích) giảm 53% so với giai đoạn 2006-2010 (478 người chết, mất tích/năm). Thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỉ đồng (tương đương 660 triệu USD/năm) giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu UDS/năm). 5 năm qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên hai với tổng kinh phí là 7.494 tỉ đồng và 47.298 tấn gạo.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai báo cáo về chất thải y tế
Loạt bài điều tra độc quyền của Lao Động: "Rác thải y tế độc hại lọt từ bệnh viện ra thị trường" vừa đăng tải bài đầu tiên: "Sự thật kinh hoàng bên trong bệnh viện" đã khiến dư luận xôn xao. Ngày 8/1, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đã yêu cầu BV Bạch Mai báo cáo vụ việc này. Trao đổi bước đầu với phóng viên xoay quanh điều tra của Lao Động về việc xử lý rác thải y tế của Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: "Hiện chúng tôi chưa thể thông tin gì về việc này. Chúng tôi đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai báo cáo về các sự việc xoay quanh rác thải y tế đăng tải trên báo Lao Động. Sau khi nhận được báo cáo của bệnh viện, chúng tôi sẽ thông tin sớm nhất đến người dân".
Trong Phụ lục 4, Danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế) cũng chỉ rõ: Các vật liệu thuộc chất thải thông thường không dính, chứa các thành phần nguy hại (lây nhiễm, chất hóa học nguy hại, chất phóng xạ, thuốc gây độc tế bào) được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, bao gồm: Chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại như: dung dịch NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận và các chai nhựa đựng dung dịch không nguy hại khác. Các vật liệu nhựa khác không dính các thành phần nguy hại. Chai thủy tinh đựng các dung dịch không chứa các thành phần nguy hại. Lọ thủy tinh đựng thuốc tiêm không chứa các thành phần nguy hại. Giấy: Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy. Kim loại: các vật liệu kim loại không dính các thành phần nguy hại....
EVN chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc trồng rừng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngoài việc chi hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế các dự án thủy điện, EVN còn góp phần bảo vệ môi trường rừng ở 29 tỉnh nơi có dự án thủy điện của tập đoàn thông qua việc nộp phí dịch vụ môi trường rừng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2015 là hơn 4.067 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa 13 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, EVN phải thực hiện trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện của EVN trên cả nước, với tổng diện tích phải trồng khoảng 12.859 ha.
Theo EVN, đến cuối năm 2015, trong tổng số 18 dự án, đã có 3 dự án Thủy điện ở khu vực miền Trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm: A Vương, Sông Ba Hạ và Buôn Tua Srah; 15 dự án thủy điện còn lại đã được địa phương phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế. Các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2 đã hoàn thành chuyển tiền cho địa phương để trồng rừng và chăm sóc năm đầu – theo TTXVN.
Mỹ đã trải qua tháng 12 nóng nhất trong lịch sử hiện đại
Báo cáo của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia (NOAA) công bố ngày 7/1 cho biết với nước Mỹ, tháng 12 vừa qua ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 3,6 độ C, cao hơn 3,3 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Các chuyên gia cho rằng độ ẩm cao đột biến là một phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng El Nino và khiến nhiệt độ khu vực Thái Bình Dương cận xích đạo tăng vọt trong năm nay, gây mưa lớn tại nhiều nơi trên thế giới – theo TTXVN.
Tổng lượng mưa đo được trên toàn nước Mỹ trong tháng 12 là 10cm, hơn 4cm so với mức trung bình của thế kỷ 20. Tính cả năm, 2015 là năm nước Mỹ có nhiệt độ trung bình cao thứ hai từ năm 1895 đến nay, chỉ đứng sau năm 2012. Đây cũng là năm thứ 19 liên tiếp nhiệt độ trung bình của nước Mỹ vượt mức trung bình của thế kỷ trước. Tất cả các bang đều ghi nhận mức nền nhiệt cao hơn trung bình, trong đó có bốn bang trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử là Florida, Montana, Oregon và Washington. Có tổng cộng 10 thảm họa thời tiết và khí hậu trong năm 2015, bao gồm một đợt hạn hán, hai trận lũ, năm cơn bão lớn, một trận bão tuyết và một vụ cháy rừng, làm tổng cộng 155 người chết. Thiệt hại của mỗi đợt thiên tai ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD.
Sản lượng ngũ cốc toàn cầu sụt giảm vì nắng nóng và hạn hán
Theo các báo cáo mới đăng trên tạp chí "Nature" ("Tự nhiên", Anh) số ra ngày 6/1, hạn hán và các đợt nắng nóng với mật độ và cường độ ngày càng tăng là nguyên nhân khiến sản lượng ngũ cốc giảm 10% trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 2007, sản lượng giảm mạnh hơn đặc biệt trong hai thập kỷ cuối của giai đoạn này và tại các quốc gia giàu có. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu thông qua việc tổng hợp các số liệu về sản lượng của 16 loại ngũ cốc bao gồm ba loại quan trọng là lúa mỳ, ngô và gạo của 177 quốc gia trên toàn thế giới đã trải qua gần 3.000 đợt lũ lụt và hạn hán.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong vòng 43 năm sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm 1,2 tỷ tấn do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng và giảm 1,8 tỷ tấn do hạn hán, tương đương với sản lượng lúa mì và ngô toàn cầu trong năm 2013. Trong đó, giai đoạn từ năm 1985 tới năm 2007, sản lượng tiếp tục sụt giảm gần 14%, làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tăng lên. Đáng ngạc nhiên là, sản lượng sụt giảm mạnh hơn tại các khu vực giàu có như Mỹ, Canada và châu Âu - gần gấp đôi con số tại các quốc gia đang phát triển - theo TTXVN.
Lượt xem : 2080